QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ:
Cần sửa đổi phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật
Sau 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế trên địa bàn tỉnh, bên cạnh nhiều kết quả đạt được vẫn còn những vướng mắc cần khắc phục để phù hợp với thực tiễn.
Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, qua 10 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh được củng cố, kiện toàn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật và phát triển KT-XH của địa phương.
Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. - Trong ảnh: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại UBND TP Quy Nhơn.
Trong đó, đáng chú ý là công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó đã kịp thời phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương lựa chọn và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, luật, pháp lệnh quan trọng, liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, DN. Trong đó, trọng tâm như các lĩnh vực: Cải cách hành chính; cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ pháp lý cho DN; khiếu nại, tố cáo; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; phòng, chống dịch bệnh Covid-19...
Công tác bồi thường nhà nước được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Sở Tư pháp luôn tích cực nắm bắt các vụ việc giải quyết bồi thường trên địa bàn tỉnh để chủ động tham gia, hoặc trên cơ sở đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường, để tham gia vào quá trình xác minh thiệt hại, thương lượng việc giải quyết bồi thường với tư cách đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, bảo đảm các vụ việc phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên địa bàn tỉnh đều được đơn vị tham gia phối hợp giải quyết theo quy định pháp luật.
Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật, quá trình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ một số vướng mắc, tồn tại, nhất là bất cập về thể chế. Phụ trách công tác pháp chế - ông Lê Kim Chinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn bản quy phạm pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp cho biết, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định việc thành lập tổ chức pháp chế tại 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; trong khi đó, Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 4.4.2014 của Chính phủ (quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và các thông tư liên tịch giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không quy định thành lập phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Do 2 nghị định trên hướng dẫn không thống nhất nên không thể triển khai thực hiện việc thành lập tổ chức pháp chế bắt buộc tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh như quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.
Khắc phục, đổi mới để hiệu quả hơn
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Đình Hy cho hay, từ thực tiễn thi hành, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Cụ thể, cần cân nhắc quy định rõ việc thành lập phòng Pháp chế hoặc bố trí cán bộ chuyên trách về công tác pháp chế trong các cơ quan chuyên môn; tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế; chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ phụ trách công tác pháp chế.
Bên cạnh đó là đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên cơ sở quy định rõ mối quan hệ phối hợp giữa cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ pháp chế được giao. Bởi, công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật được xác định là nhiệm vụ quan trọng, gắn yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Tư pháp mà còn là nhiệm vụ của cán bộ pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Ngoài ra, cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động pháp chế, xây dựng, hoàn thiện Trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn, coi đây là phương tiện phục vụ đắc lực cho công tác pháp chế thông qua việc tạo cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bài, ảnh: SAO LY