Phù Cát chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Vụ Đông Xuân 2020-2021, nông dân các xã: Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Lâm, Cát Hanh chuyển 1.100 ha mì sang trồng đậu phụng hoặc đậu phụng xen mì và chuyển đổi 430 ha đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn (chiếm gần 1/2 diện tích lúa chuyển đổi của toàn tỉnh).
Các ngành chức năng huyện Phù Cát còn tư vấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh; xây dựng mô hình sản xuất xen canh, luân canh: Đậu phụng xen mì hoặc vụ Đông Xuân trồng đậu phụng, vụ Hè trồng mè để chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân, nhằm giảm áp lực nước tưới, hạn chế rủi ro và nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích. Với cách làm này, nông dân huyện Phù Cát đã nâng cao hệ số sử dụng đất, giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích tăng cao nhiều lần so với chỉ độc canh cây mì hoặc sản xuất lúa.
Sau khi thu hoạch, hộ ông Lê Văn Binh, ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp huyện Phù Cát đã thuê máy tuốt đậu phụng ngay tại ruộng.
Những ngày đầu tháng 5, trên các cánh đồng ở Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hanh, nông dân đang hối hả thu hoạch đậu phụng, dù vất vả giữa tiết trời nắng nóng nhưng ai nấy đều rất vui. Đang tuốt đậu phụng ngay tại ruộng, ông Lê Văn Binh ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp, cho hay: “Gia đình tôi chuyển toàn bộ 20 sào đất chuyên trồng mì sang trồng đậu phụng xen mì. Có năm, tôi sản xuất đậu phụng vụ Đông Xuân, vụ Hè trồng mè. Phương thức canh tác nào cũng hiệu quả hơn độc canh cây mì. Năm nay năng suất đậu phụng đạt gần 500 kg/sào, với giá bán hiện nay là 25.000 đồng/kg, gia đình tôi thu nhập trên 12 triệu đồng/sào, cao gấp 3 lần so với trồng mì”.
Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, phân tích: Đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Cát chủ yếu là đất pha cát, độ dốc Tây sang Đông khá lớn, nên đất rất dễ bị xói mòn, rửa trôi, nếu độc canh cây mì, đất càng nhanh bạc màu. Ngược lại cây đậu phụng có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng giữ ẩm tốt, khả năng bổ sung đạm cho đất lại cao. Hơn nữa, đậu phụng phát triển sẽ phủ kín đất, cỏ ít có cơ hội phát sinh, hạn chế đất bị rửa trôi. Khi xen canh, cây mì tận dụng lượng phân bón dành cho đậu phụng để phát triển, nhờ vậy giảm được chi phí đầu tư và công chăm sóc. Thu hoạch xong đậu phụng, nông dân chỉ đợi đến ngày thu hoạch mì. Điều quan trọng là năng suất, chất lượng đậu và mì trồng xen canh đều bảo đảm, nông dân có thu nhập bình quân 160 triệu đồng/ha đậu và mì, cao hơn từ 3 - 4 lần so với độc canh cây mì.
PHẠM TIẾN SỸ