Đứng dậy sau ly hôn
Khi quyết định ký vào đơn xin ly hôn người phụ nữ đã xác định phải đối mặt với một cuộc sống hoàn toàn khác. Phần lớn con đường sau đổ vỡ hôn nhân của họ khá gập ghềnh.
Chông chênh, vượt khó
Gần 15 năm sống chung, chị Nguyễn Thị Vân, 40 tuổi, xã Ân Hữu (Hoài Ân) quyết định ly dị chồng. Nỗi ám ảnh về người chồng say xỉn, vũ phu suốt những năm chung sống khiến chị không dám ở quê, lặn lội vào TP Quy Nhơn kiếm sống. Chị cố gắng làm ăn, tích góp và được gia đình hỗ trợ nên mua được căn nhà vỏn vẹn 20m2 trong một con hẻm sâu rồi đưa hai con trai về ở cùng. Không biết có phải vì quãng thời gian “trắng” không có ba mẹ bên cạnh dạy dỗ, chăm sóc hay không mà hai con chị càng lớn càng cộc cằn, thô lỗ với cả mẹ ruột. Vào thành phố, chúng kết bạn với những đứa lông bông, quậy phá khắp nơi. Giờ đây, chị vất vả lo cho con đã đành mà còn đau lòng vì nghĩ mình không nuôi dạy được con tốt sau khi ly hôn.
Ly hôn, đồng nghĩa với việc phần lớn phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Đó là sự thiếu vắng trụ cột gia đình, rồi những lúc chông chênh, yếu đuối, cần một bờ vai, một chỗ dựa vững chắc... Đi cùng với những phút yếu đuối, bồng bột luôn là những hệ lụy khó lường. Đó là trường hợp của chị Hoàng Thị Quyên, 36 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn. Tốt nghiệp đại học, kiếm được một công việc tốt, rồi lập gia đình với người đàn ông “trong mơ”; nhưng rồi chị ngậm ngùi ly hôn sau 6 năm vì nhiều lẽ. Tức tối câu mỉa mai: “Bỏ tui, cô đừng mơ lấy được chồng!”, chị Quyên quyết tâm phải làm cho chồng cũ của cô “biết mặt”. Công việc khiến chị có dịp giao lưu, quen biết nhiều người. Dù có đứa con 5 tuổi nhưng vì xinh đẹp, giỏi giang nên chị nhanh chóng tìm được người yêu mới rồi kết hôn. Cuộc hôn nhân mới chưa đầy năm, mọi người xung quanh “sốc” khi chị lại ly hôn. Chị Quyên bộc bạch: “Mọi người khuyên đàn bà thì phải nhịn chồng. Dù khổ mấy tôi cũng nhịn được, trừ việc thấy cảnh con của mình bị cha dượng ngược đãi”.
Hãy vững tin
Ly hôn khi còn rất trẻ, lại phải nuôi con nhỏ nhưng Hồng Thúy, 27 tuổi, công tác tại một trường đại học, đã tự mình vượt qua khó khăn. “Liệu pháp” để Thúy vượt qua giai đoạn “sốc” sau ly hôn là chọn cách sống trầm lặng, tránh những mối quan hệ không cần thiết. Vốn thông minh, xinh đẹp, Thúy được nhiều người để ý. Có người định lợi dụng hoàn cảnh của cô để “qua đường” cho vui, nhưng cũng có người muốn đến với cô một cách nghiêm túc. Nhưng với ai, cô cũng chỉ... cười, viện lý do “con chim một lần đậu cành cong” để thoái thác. Thời gian của cô chỉ dành cho 2 việc: Chăm sóc, nuôi dạy con và tập trung vào công việc chuyên môn. Công việc giúp cô quên đi những hệ lụy đau buồn và con cái là niềm tin. Nhìn lại hơn hai năm sau ly hôn, một mình vừa làm việc, vừa nuôi con nhỏ, vừa cố gắng dung hòa những mối quan hệ xã hội, cô cảm thấy hài lòng với những gì mình có: cậu con trai khỏe mạnh, ngoan và rất yêu thương mẹ. Cô cũng sắp hoàn thành chương trình thạc sĩ, được đồng nghiệp nể trọng...
Ly hôn là bước ngoặt, thử thách lớn trong cuộc đời đối với nhiều người và vượt qua nó không dễ dàng chút nào. Với chị Trúc Ly, ở thị xã An Nhơn thì phải mất đến gần 3 năm mới lấy lại thăng bằng sau cú sốc tâm lý khá nặng vì ly hôn. Lấy nhau được 6 năm vẫn không có con, gia đình chồng làm áp lực buộc họ phải chia tay. Thời gian đầu, chị khóc hết nước mắt. Chị Ly kể: “Sau ly hôn, tôi rất khổ tâm vì còn thương chồng. Nhất là khi gặp chồng đi với người đàn bà khác, tôi thấy trong lòng tức giận, ghen tuông, về ăn không ngon, ngủ không yên, cáu gắt với ba mẹ. Một thời gian sau tôi mới nguôi ngoai vì “đã suy nghĩ rất kỹ rồi mới ly hôn thì phải để cho người ta sống cuộc đời của người ta”. Vài người bạn lại mai mối, chị cười: “Cũng chẳng ngại đi bước nữa đâu, nhưng quan trọng là phải tìm được người hiểu và cùng chia sẻ với những khó khăn riêng tư của mình”.
Lời khuyên của những người trong cuộc là để bắt đầu một cuộc sống mới, bạn phải biết nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ là gì để rút kinh nghiệm cho bản thân. Cách vượt “sốc” tốt nhất là hãy dành thời gian cho công việc, chăm sóc con cái và chăm sóc bản thân mình. Rồi hạnh phúc cũng sẽ lại đến.
HỒNG PHÚC