Ngành Công Thương Bình Ðịnh:Tự hào 70 năm xây dựng, phát triển
Hôm nay (14.5), kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (1951 - 2021). Cùng với cả nước, qua 70 năm xây dựng, phát triển, ngành Công Thương Bình Ðịnh đã có những đóng góp quan trọng trong hai cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần phát triển KT-XH tỉnh nhà.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng, sau giải phóng, ngành Công Thương Bình Định hầu như không có gì ngoài vài cơ sở thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ thuộc sở hữu tư nhân. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Công Thương thực hiện xây dựng xí nghiệp công tư hợp doanh ở tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn tỉnh; đồng thời khôi phục các nghề thủ công truyền thống…
Sản phẩm tôn mạ chủ lực của Công ty TNHH MTV Hoa Sen - Nhơn Hội Bình Định sản xuất trên dây chuyền hiện đại để xuất đi châu Âu, châu Mỹ. Ảnh: THU HIỀN
Kết quả, đến năm 1979, toàn tỉnh thành lập được 2 công ty hợp doanh, 67 HTX và 134 cơ sở sản xuất; đầu tư gần 30 triệu đồng xây dựng cơ sở công nghiệp, đưa tổng số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh lên 62 cơ sở… Ngành Công Thương Bình Định vươn lên đứng thứ 6 khu vực phía Nam.
Từ những kết quả trên, ngành Công Thương tự tin thực hiện công cuộc đổi mới (1986) để tiếp tục có những bước tiến trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong 20 năm qua (2001- 2020), ngành đã gặt hái được nhiều thành tựu: Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 tăng 16%/năm, 2006 - 2010 tăng 16,2%/năm, 2011 - 2020 tăng 9,3%/năm. Giá trị gia tăng công nghiệp tăng 9,7%/năm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GRDP từ 13,6% (năm 2010) lên 17% (năm 2015) và 20,2% (năm 2020), góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Ông Ngô Văn Tổng cho biết: Hiện toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 10 khu công nghiệp (3.560 ha) và 61 cụm công nghiệp (1.886 ha), với kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, đã thu hút 250 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp với tổng vốn đăng ký 39.108 tỷ đồng; trong đó có 36 dự án quy mô vốn từ 100 tỷ đồng trở lên. Kết cấu hạ tầng thương mại ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2011 - 2020 đạt trên 500 nghìn tỷ đồng, gấp 5 lần so với 10 năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2010 đạt 2,521 tỷ USD, giai đoạn 2011 - 2020 đạt hơn 7,233 tỷ USD; đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2020...
Tiếp tục phát huy truyền thống, ngành Công Thương Bình Định quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đề ra: Phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung; tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá, trong đó có trụ cột phát triển công nghiệp và logistics.
Ông Ngô Văn Tổng cho biết thêm: Toàn ngành phấn đấu thực hiện Chương trình hành động “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025”, với những mục tiêu chủ yếu: Phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP; tốc độ tăng trưởng công nghiệp - xây dựng trong GRDP bình quân hàng năm tăng 9,5 - 10,2%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đến năm 2025 đạt 31,8%; phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 74.600 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân 9,2%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6 tỷ USD; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 496,3 nghìn tỷ đồng.
Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu trên, ngành Công Thương Bình Định đã đề ra một số giải pháp: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tích cực thu hút các nhà đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án công nghệ thông tin của các DN... Về thương mại, sẽ phát triển thương mại nội địa kết hợp các loại hình thương mại truyền thống và thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chương trình bình ổn thị trường để đảm bảo cân đối cung cầu...
VIẾT HIỀN