Ngày mới ở Kôm Xôm
Giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng, khu dân cư tập trung Kôm Xôm (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) toát lên vẻ bài bản của một khu dân cư kiểu mẫu. Ở đó, một cuộc sống mới đã và đang diễn ra, mà theo lời người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây là: “Nhờ có Ðảng và Nhà nước quan tâm, bà con đã “an cư, lạc nghiệp” ở vùng đất mới”.
Trước khi về Kôm Xôm tái định cư, điều kiện sống của hầu hết các hộ dân rất khó khăn, cách biệt. Huyện Vân Canh đã vận động bà con di dời xuống khu vực trung tâm xã để tiện lợi cho quá trình đầu tư phát triển.
Ông Hoàng Kim Chuyên, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vân Canh, cho biết: Khu dân cư tập trung Kôm Xôm có tổng diện tích 6,14 ha thi công vào năm 2016, đến năm 2017 hoàn thiện mặt bằng, nhằm tái định cư cho các hộ dân thiếu đất trên địa bàn xã Canh Liên. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành cấp đất ở cho 67 hộ dân thuộc diện thiếu đất. “Khu dân cư này được huyện đầu tư gần 19 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục như hệ thống điện, nước, bờ kè, đường giao thông nội bộ… nhằm đảm bảo cuộc sống, giúp bà con an tâm sinh sống, lao động sản xuất ở vùng đất mới. Đây là một sự quan tâm rất lớn của huyện đối với bà con người dân tộc thiểu số trong điều kiện Vân Canh vẫn còn là một địa phương khó khăn của tỉnh”, ông Chuyên cho biết.
Khu dân cư tập trung Kôm Xôm được quy hoạch bài bản, khang trang.
Phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn nhưng bà con đều đồng lòng, vui vẻ, bởi họ đều hiểu, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Điều đó đã được minh chứng sau hơn 3 năm về nơi ở mới - nơi có địa hình cao ráo, bằng phẳng, quang cảnh thoáng đãng, thuận lợi hơn so với các nơi ở cũ, đặc biệt khu dân cư nằm ngay trung tâm UBND xã.
Ông Hà Văn Tuyên (42 tuổi) kể rằng, trước đây mình ở làng Kon Lót. Gia đình nhỏ với 4 thành viên sống chen chúc trong căn nhà sàn rộng hơn 30 m2 nằm sát chân núi. Mỗi khi mưa xuống là cả đêm ngủ không yên giấc, chỉ lo sạt lở. Hơn nữa, ở vùng đất cũ, khổ nhất là mấy đứa con, đi học rất vất vả. Sau khi được nhà nước quan tâm, cuối năm 2017 gia đình ông chuyển về Kôm Xôm để ổn định cuộc sống. “Mỗi hộ được cấp khu đất rộng hơn 400 m2, đường sá thuận lợi, mấy đứa nhỏ đi bộ chỉ 5 phút là tới trường. Không chỉ cấp đất, nhà nước còn hỗ trợ 15 triệu đồng để chuyển nhà và gạo ăn trong 3 tháng. Có nơi ở mới khang trang, công việc của hai vợ chồng cũng thuận lợi. Từ ngày về đây ở, hai vợ chồng tôi đã tích góp được 250 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới đổ mê bài bản”, ông Tuyên nói.
Cách nhà ông Tuyên không xa, vừa bước tới cổng nhà, chúng tôi đã nghe tiếng chương trình tivi đang phát cùng tiếng nói cười rôm rả của gia đình ông Đinh Văn Chương (47 tuổi). Mời chúng tôi vào nhà uống nước, ông Chương hào hứng khoe rằng: “An cư mới lạc nghiệp nhà báo à! Cả đời tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ thoát khỏi cảnh ở căn nhà dột nát. Nhưng về đây được 3 năm tôi đã xây được căn nhà kiên cố trị giá 180 triệu đồng. Vợ chồng hai đứa con gái ở sát đây cũng xây được nhà tương tự. Có nơi ở mới, nhà mới, cái bụng cũng yên tâm để chăm đi làm kiếm tiền nâng cao cuộc sống”.
Theo ông Đinh Văn Mực, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Canh Liên, trước đây, các hộ dân này không những sống tại khu vực xa xôi, hẻo lánh mà nhà cửa của các hộ cũng phân tán, không tập trung, vì thế, huyện không thể đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh. Việc vận động, hỗ trợ bà con di dời đến khu vực thuận tiện và tập trung là điều cần thiết.
Ông Mực phấn khởi chia sẻ thêm những dự định: “Đến nay, cuộc sống của những hộ dân tái định cư về Kôm Xôm rất ổn định, thậm chí khấm khá. Định hướng sắp tới, xã sẽ chọn khu dân cư này để xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Trong đó, xã sẽ đầu tư kinh phí và vận động nhân dân cùng xây dựng cảnh quan sạch, đẹp. Đồng thời, phục dựng lại các hoạt động truyền thống của người Ba na ngay tại khu dân cư này như dệt thổ cẩm, đan lát và xây dựng nhà rông trưng bày các sản phẩm truyền thống phục vụ cho hoạt động du lịch. Qua đó, vừa giữ gìn, phát huy được các giá trị truyền thống, vừa nâng cao thu nhập cho người dân cũng như làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã”.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC