Doanh nghiệp du lịch thay đổi từng ngày để ứng phó với đại dịch
Các doanh nghiệp du lịch đang thực sự ở trong một cuộc chiến cam go, khốc liệt để có thể tồn tại trong một đại dịch kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Du lịch hè vốn được kỳ vọng là cú hích cho ngành du lịch nội địa sau gần 2 năm ròng rã chiến đấu với Covid -19. Thế nhưng, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đang tước đi cơ hội đó. Các doanh nghiệp (DN) vừa phải căng mình giải quyết các trường hợp hủy, hoãn tour cho khách vừa phải thay đổi sản phẩm, vạch ra chiến lược mới cho mùa Hè này.
Văn phòng của các công ty du lịch lữ hành vào những ngày đầu tháng 5 này không còn không khí tấp nập, nhộn nhịp đón khách tới mua tour như hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4 nữa, thay vào đó là một không khí khá yên ắng, thỉnh thoảng có một vài khách tới để hủy, hoãn tour.
Nhân viên công ty lữ hành hướng dẫn khách hoãn tour, bảo lưu tiền đặt cọc.
Chị Trương Bích Hải, một khách đã đặt mua tour TPHCM đi Đà Nẵng - Hội An vào cuối tháng 5 và hiện đang hoãn tour cho rằng, do dịch bệnh nên chị sẵn sàng hợp tác cùng doanh nghiệp.
“Dịch bùng phát nên công ty du lịch có gọi báo cho khách hàng phương án hoãn tour. DN cấp cho các khách đã đặt tour mã voucher để bảo lưu số tiền đó và book tour vào dịp khác. Trước khi mua tour, các DN cũng đã thông báo trước về các hình thức giải quyết nếu dịch bùng phát nên các khách hàng không cảm thấy bất ngờ hay khó chịu”, chị Hải nói.
Sau 1 năm rưỡi chống chọi với Covid-19 và sau 4 lần bị “giáng đòn” vào các mùa du lịch cao điểm, giờ đây các DN du lịch đều không còn rơi vào trạng thái "khủng hoảng" nữa. Hầu hết DN đã thích nghi và thiết lập cơ chế xử lý khá bài bản.
Bà Chung Thúy Châu, Trưởng phòng Kinh doanh- Công ty Du lịch Việt cho biết, hiện tại hơn 85% tour Hè mà đơn vị đã bán ra phải hoãn lại, DN đã triển khai các phương án giải quyết.
“DN đã chủ động làm việc với các hãng, các đối tác để bảo lưu phần khách đã đăng ký và các nhân viên đều đã nắm rõ cách thức xử lý. Thực ra để hoàn lại tiền mặt là rất khó cho các bên, do là dòng tiền này các bên đều phải xoay chuyển. Phía khách hàng cũng hiểu nên họ cũng đồng ý bảo lưu với thời gian rất xa, khoảng 1 năm”, bà Châu cho hay.
Mặc dù không bị sốc do dịch như lần đầu tiên, nhưng các DN du lịch không tránh khỏi lo ngại cho việc duy trì và phát triển. Bởi mùa cao điểm như du lịch Hè là mùa tăng doanh thu hàng năm và là mùa “hi vọng” vực dậy sau khi bị dịch bệnh đẩy về vạch xuất phát. Với các công ty du lịch, giờ đây kế hoạch kinh doanh không thể xây dựng theo năm, theo quý mà phải thay đổi từng ngày, từng giờ.
“Nếu không có dịch bùng phát, mùa du lịch Hè sẽ giúp tăng doanh thu lên rất nhiều. Nhưng dịch bùng phát khiến tất cả các kế hoạch buộc phải thay đổi, thậm chí những chiến lược về sản phẩm cũng phải thay đổi. Sau dịch ở những nơi bùng phát dịch như Đà Nẵng hay các tỉnh miền Bắc khả năng mở tour trong Hè này sẽ khó”, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Vietravel cho hay.
Cùng chung dự đoán rằng trong mùa Hè này, loại hình du lịch tham quan sẽ bị giới hạn do có quá nhiều tỉnh thành, nhiều điểm đến nằm trong vùng dịch nên ông Thi Quốc Duy, Trưởng Bộ phận kinh doanh khách lẻ của Bến Thành Tourist cho biết, đơn vị này đã họp bàn và lên kế hoạch để triển khai sản phẩm mới phù hợp với thời dịch.
“Thời điểm này DN đang chào bán cho khách những chương trình tour nghỉ dưỡng có kết hợp với những phương pháp trị liệu để thải độc tố, detox cơ thể. Chúng tôi nghĩ rằng, sao đợt dịch này nhiều người sẽ có nhu cầu rất lớn với việc đào thải chất độc ra khỏi cơ thể nên sản phẩm này sẽ thu hút khách trong thời gian tới”, ông Duy chia sẻ.
Khu phố Tây Bùi Viện vốn sầm uất khách du lịch thì giờ đây cũng đìu hiu, nhiều khách sạn và hàng quán đóng cửa im lìm.
Bên cạnh việc suy nghĩ, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với tình hình dịch để chào bán cho khách, các DN du lịch cũng phải xoay sở để cắt giảm chi phí vận hành, giảm thiểu thiệt hại. Vietravel đang lên phương án tái cấu trúc, tách hãng hàng không Vietravel Airlines chỉ mới đi vào hoạt động hơn 4 tháng nay ra khỏi công ty lữ hành để thoát lỗ.
Còn Công ty du lịch Việt cũng mở thêm mảng sản xuất khẩu trang để tạo việc làm và duy trì đời sống kinh tế cho đội ngũ nhân viên. Nhiều công ty lữ hành phải đóng cửa bớt các văn phòng giao dịch. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng tạm ngưng hoạt động. Các DN du lịch đang thực sự ở trong một cuộc chiến cam go, khốc liệt để có thể tồn tại trong một đại dịch kéo dài và nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo Minh Thắm (VOV)