Dẻo thơm nếp bầu Chánh Trạch
Giá trị kinh tế thường gấp 2 lần so với lúa, hạt nếp bầu Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ) còn nhiều người biết đến vì nó đã từ lâu trở thành đặc sản truyền thống không chỉ ở Bình Định mà cả miền Trung, và nếu ai đã từng thưởng thức bánh tét, bánh chưng, bánh ít lá gai, rượu nếp… được làm từ hạt nếp trên bầu thì chẳng thể nào quên hương vị ngon, dẻo, thơm lừng đến lạ…
Chủ tịch Hội nông dân xã Mỹ Thọ, ông Phạm Văn Thọ cho biết: Nếp bầu Chánh Trạch từ lâu đã là sản vật quý trên bầu, đâu chỉ người Phù Mỹ, mà cả người trong và ngoài tỉnh, kể người xa quê bôn ba xứ người, vẫn không quên, vì những đặc trưng “không thể nơi nào có được” khi sản phẩm được làm ra từ nếp trên bầu.
Không đợi đến lúc hạt nếp trải vàng trong nắng mai… mà ngay cả khi nếp mới lên đòng, trổ bông ai đi ngang qua bầu Chánh Trạch cũng thấy lan tỏa một mùi hương nhẹ nhàng trong gió… Nhiều năm trung thành với hạt nếp bầu Chánh Trạch, nhất là mỗi bận Xuân về, Tết đến, từ cây bánh tét đến dĩa xôi, chị Hồ Thị Thắm, thôn Trà Quang Bắc - Thị trấn Phù Mỹ đều đặt mua cho được hạt nếp chính cống trên bầu Chánh Trạch để nấu, vì “ thơm lắm, tui chỉ nấu 1 lon thôi, từ bếp ở nhà dưới mà nó thơm phức cả nhà, ăn thì dẻo, thơm, ai cũng gật gù khen ngon”.
Còn đứa em dâu tôi tận thị xã An Nhơn lại sôi nổi nói về nếp bầu Chánh Trạch mà mấy năm qua không năm nào em lại không nhắc tôi mua nếp này để dùng, em nói: “Nấu nó bay mùi thơm, nấu nó đều nếp chứ không phải nếp khác hột thì dẻo, hột thì không, nếp Mỹ Thọ hồi giờ, em mới thấy nếp đó nó ngon, ba ổng thích ăn nếp đó chứ ăn cái gì ổng cũng ngán, mà má ở nhà cũng thích, còn gửi vô mấy chị ở Sài Gòn ai cũng thích ”
Bạn tôi, một số người ở trong TP Quy Nhơn, Đà Nẵng, tận Ban Mê Thuộc nhiều loại nếp đã dùng, nhưng vẫn mê nhất là nếp trên bầu Chánh Trạch, nên tết nào cũng nhờ tôi mua giúp 5 - 10kg gửi qua xe đò, ngoài việc nấu xôi cúng, cho con cháu trong nhà, anh còn dành tặng người vài lon cho mấy bạn thân thiết để làm quà 3 bữa tết “thơm quá, khi nấu tỏa mùa thơm dịu nhẹ, khi ăn cũng lại dẻo thơm…
Khi được hỏi, cụ bà Nguyễn Thi Mai, thôn Chánh Trạch 2, tết này tròn 80 mùa xuân đi qua cuộc đời, xởi lởi: “ở cái xóm này, nhà ai nấu xôi nếp, làm bánh ít, bánh bánh chưng, bánh tét thì nhiều nhà bên cạnh, đến cả xóm đều biết hết, vì nó rất là thơm”.
Còn lấy nếp bầu Chánh Trạch chính cống nấu rượu thì khó có rượu nào uống ngon hơn vì mùi thơm nhẹ nhàng…
Vì hương vị đặc biệt, những năm gần đây nếp bầu Chánh Trạch sản xuất ra được thị trường tiêu thụ khá, nên diện tích nếp trên bầu từ vài chục ha giờ đã tăng lên xấp xỉ 50ha mỗi vụ/năm, năng suất nếp cũng đạt bình quân 250 – 300kg/sào, tăng nhiều so trước đây.
Nhiều cụ ông, cụ bà ở quanh bầu Chánh Trạch, tự hào: Ở đất này, người nông dân chúng tôi trải qua bao tháng năm gian nan vất vả mưu sinh vẫn gắn bó với bầu, với hạt nếp tháng 3 của mình, ngay cả giữa lằn tên mũi đạn trong chiến tranh người nông dân quanh bầu vẫn tìm mọi cách cắt, chọn lựa và cất giấu cho bằng được hạt nếp giống chính hiệu trên bầu, bỡi không có hạt nếp giống nào thay thế được.
Bà Nguyễn Thị Tuấn là chủ cơ sở làm bánh tét, bánh chưng từ nếp Chánh Trạch lớn nhất Phù Mỹ, hiện ở thôn An Lạc Đông 2 (Thị trấn Phù Mỹ) cho biết: Chỉ riêng tết này bà phải mua hơn 2 tấn nếp hạt bầu Chánh Trạch với giá giao động từ 24 - 25 - 27.000đồng/kg, để làm 2 loại chủ yếu bánh tét, bánh chưng theo đơn đặt hàng của các đại lý lớn trong và ngoài huyện, nhiều nhất tại Bồng Sơn, TP Quy Nhơn (chưa kể nhiều nơi trong huyện các bà con mua đi bán lại tại các chợ rất nhiều). Tết năm nay nhu cầu bánh tét, bánh chưng khách đặt mua tại cơ sở bà tăng hơn năm ngoái, nhưng ai cũng dặn phải là nếp bầu Chánh Trạch, khiến bà bị cháy hàng, vì không đủ nếp để làm...
Bài, ảnh: Xuân Lộc
Tôi nghĩ Chính quyền xã Mỹ Thọ nên phát huy ưu thế này mà phát triển đặc sản : gạo nếp , rượu , bí đao , cá diếc... đó là đặc trưng , đặc sản của quê nhà mà không nơi nào có được để phát triển kinh tế cho bà con . Từ trước đến giờ tôi chưa thấy các cấp chính quyền phát huy việc này.