Phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền bầu cử
Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về cuộc bầu cử. Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín nhằm giúp cử tri hiểu, biết quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là cách làm mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong những ngày này, bà Đinh Thị Nít, dân tộc H’rê - người có uy tín ở thôn 2, xã Ân Sơn (huyện Hoài Ân) thường xuyên phối hợp cùng với Ban Mặt trận thôn đều đặn hằng ngày đến từng nhà trong thôn, nhằm tuyên truyền cho cử tri hiểu hơn Luật Bầu cử, tập trung vào các nội dung việc hỏi đáp về công tác bầu cử; tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; quyền và nghĩa vụ của người ứng cử, của cử tri và các quy định về bầu cử. Đồng thời, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong thôn để đề đạt lên tại cuộc vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri với ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.
Bà Đinh Thị Nít - người có uy tín ở thôn 2, xã Ân Sơn (thứ 2 từ phải sang) đang tuyên truyền về Luật Bầu cử, cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại địa bàn.
Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động thường xuyên theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, cử tri trong thôn 2, không những đã nắm rõ công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, mà còn hiểu trách nhiệm về lá phiếu của mình, không được đi bầu thay, cân nhắc kỹ bỏ phiếu cho ai, góp phần bầu chọn ra những vị đại biểu nhân dân đủ tiêu chuẩn về trình độ, có đức, có tài, có năng lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân và nhiệt tình giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.
Bà Đinh Thị Nít chia sẻ: “Khi được xã triển khai công tác bầu cử, tôi và trưởng thôn, Ban Mặt trận thôn đã tổ chức họp dân để tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của cử tri trong cuộc bầu cử. Đồng thời, tôi cũng vận động bà con tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về cuộc bầu cử; lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Hoài Ân, công tác tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, tại các xã Bok Tới, Ân Sơn, Đắk Mang có đông người đồng bào dân tộc H’rê, Bana sinh sống, huyện đã xây dựng các kế hoạch, văn bản liên quan nhằm động viên đội ngũ già làng uy tín tích cực tuyên truyền người dân trong các thôn, làng cùng tham gia tìm hiểu, nắm bắt các thông tin về công tác bầu cử; chuẩn bị chu đáo ngày hội toàn dân đi bầu cử; vận động người dân đi bỏ phiếu đúng thời gian, địa điểm quy định và đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các điểm bỏ phiếu…
Huyện Vân Canh là một trong những huyện có đông người đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhờ tranh thủ, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, cử tri ở những thôn, làng nằm xa khu trung tâm xã đều cơ bản nắm được quy trình, nguyên tắc, thời gian cũng như ý nghĩa của cuộc bầu cử.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Vân Canh cho biết: “Nhờ đội ngũ người có uy tín, già làng đồng hành trong công tác tuyên truyền nên các bước tiến hành của cuộc bầu cử đều được thông tin rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong huyện. Những cử tri tại các địa bàn nằm xa khu dân cư như: 8 làng thuộc xã Canh Liên và làng Canh Giao, xã Canh Hiệp cũng đã nắm đầy đủ, hiểu rõ về Luật Bầu cử. Trong ngày 22.5, cử tri của những làng này sẽ được bỏ phiếu sớm và 100% cử tri của huyện sẽ đi bầu cử đầy đủ, đảm bảo đúng quy định”.
Theo bà Hồ Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 122 người có uy tín. Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín chính là những hạt nhân và là cầu nối giữa chính quyền cấp cơ sở với cộng đồng thôn, làng, khu phố; là lực lượng cốt cán tiên phong trong tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Trong công tác bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 7 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng về công tác bầu cử trong đó có các vị là người có uy tín; tranh thủ, gặp gỡ những người có uy tín để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri tại địa bàn; cung cấp kịp thời các tài liệu liên quan đến công tác bầu cử để tuyên truyền, vận động…
“Việc phát huy vai trò người có uy tín trong công tác tuyên truyền bầu cử đã được các địa phương trong tỉnh chú trọng ngay từ đầu. Đội ngũ này đã và đang làm rất tốt vai trò cầu nối của mình; nhờ có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nắm chắc thực tiễn địa phương, có cùng ngôn ngữ và hiểu biết phong tục tập quán, họ đã chủ động tích cực tuyên truyền về công tác bầu cử từ người thân trong gia đình đến bà con trong thôn, làng, khu phố. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng ngày 23.5 thực sự là ngày hội của toàn dân, toàn thể cử tri trong tỉnh sẽ hăng hái đi bầu cử, thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân, sáng suốt lựa chọn những người đủ tài, đủ đức để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp”, bà Thu chia sẻ.
Bài, ảnh: DUY ĐĂNG