Dựng Nêu đón Tết cổ truyền
Sáng nay (28.1), nhiều người dân TP Quy Nhơn và du khách từ ngạc nhiên đến thích thú khi bắt gặp những cây Nêu nối tiếp nhau “mọc” lên thành một hàng dài “đón Xuân” ở khu vực bãi cỏ, trên đường Nguyễn Tất Thành. Đây là thành quả lao động của các phường, xã hưởng ứng Hội thi “Dựng nêu đón Tết cổ truyền” do Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn tổ chức.
Tục dựng cây Nêu ngày Tết là một nghi thức có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, việc dựng cây Nêu trong ngày Tết cổ truyền là để xua đuổi tà ma, cầu mong một năm mới được phúc, lộc, may mắn. Cây Nêu còn được coi là “cây vũ trụ” nối liền Đất – Trời, hàm chứa ý thức xác định lãnh thổ của đất nước, là biểu tượng chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược và khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tục dựng cây Nêu ngày Tết cổ truyền đã dần mai một….
Hội thi “Dựng Nêu đón Tết cổ truyền” là hoạt động thiết thực để chuyển tải thông điệp văn hóa mang đậm tính nhân văn, nên thu hút được 13 phường, xã trên địa bàn TP Quy Nhơn tham gia trong thời điểm cuối năm bận rộn nhiều công việc. Các đơn vị đã có sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư, chuẩn bị tốt cây Nêu làm bằng tre già (cao từ 8 m trở lên), có treo cờ hội, lá phướn in các nội dung chúc mừng năm mới, lồng đèn (bên trong có gắn bóng đèn điện để thắp sáng ban đêm), chuông gió, chong chóng…được giữ thẳng đứng nhờ hệ thống dây giằng chắc chắn có trang trí các loại cờ dây nhiều màu. Tùy theo phong tục của địa phương, trên cây Nêu của mỗi phường, xã còn treo một số vật dụng có ý nghĩa tín ngưỡng dân gian như cành lá đa, lá dứa, nhánh xương rồng….cùng một giỏ tre có chứa các loại vàng mã, gạo muối, trầu cau…và một tấm vỉ hình ô vuông được đan bằng tre (4 nan dọc và 5 nan ngang) biểu tượng cho “Tứ tung ngữ hoành” (có ý nghĩa bùa trấn).
Hầu hết các phường, xã đều đã tham khảo ý kiến của các vị cao niên, đồng thời huy động lực lượng thanh niên tham gia dựng cây nêu đa dạng, phong phú về hình thức, kiểu dáng. Cụ Nguyễn Đức Tảng (81 tuổi), thành viên đội dựng cây Nêu của phường Ngô Mây, tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi luôn háo hức xem ông bà, cha mẹ mình dựng cây Nêu trước nhà vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Sau mấy chục năm không còn được thấy cây Nêu ngày Tết, tôi rất xúc động khi được cùng mọi người tham gia một hội thi có ý nghĩa hướng về nguồn cội với những giá trị tốt đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống cần gìn giữ”.
Trong buổi sáng 28.1, ban giám khảo Hội thi đã tiến hành chấm điểm cây Nêu của các phường, xã lần thứ nhất theo các tiêu chí đảm bảo các yếu tố truyền thống trong phong tục tập quán của người Việt Nam, có hình thức trang trí đẹp hài hòa; dựng thẳng đứng, buộc đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, kĩ thuật, mỹ thuật; nội dung thuyết trình có tính thuyết phục, thể hiện được mục đích, ý nghĩa của tục dựng cây Nêu.
Tối nay (28.1), ban giám khảo sẽ tiếp tục chấm điểm lần thứ hai để đánh giá thêm vẻ đẹp của các cây Nêu có thắp sáng điện trang trí vào ban đêm…Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao TP Quy Nhơn, nhìn nhận: “Hy vọng qua Hội thi lần này, tục dựng cây Nêu ở TP Quy Nhơn không chỉ được khôi phục lại, trở thành một hoạt động mang tính truyền thống chào đón Tết cổ truyền, mà còn là cơ sở để các địa phương nhân rộng trong từng cộng đồng dân cư trong điều kiện có thể…”.
Hoài Thu