Một tấm lòng... “để gió cuốn đi”
Chị Lê Kiều Diễm sinh ra tại TP Hồ Chí Minh, sang Mỹ định cư rồi có chồng quê tỉnh Ninh Thuận. Trong cuộc trò chuyện từ xa mới đây chị bảo với tôi rằng, chị chưa lần nào đến Bình Ðịnh cả. Thế nên, trong lần về Việt Nam sắp tới, chị chắc chắn sẽ đến Bình Ðịnh.
“Muốn biết Diễm về Bình Định làm gì không? Nơi đó giờ có chị Nguyệt (bà Tô Thị Thu Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát) - người “se duyên” Diễm với vùng đất Võ và còn nhiều người đang gặp cảnh khó khăn mà Diễm muốn đến gần với họ nữa”, chị bảo vậy.
Tấm lòng của Kiều Diễm luôn được bà Tô Nguyệt thực hiện đầy đủ, chu đáo.
-Trong ảnh: Trao suất ăn dinh dưỡng cho người cao tuổi neo đơn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh. Ảnh: NGỌC TÚ
● Được biết chị đang cùng chồng điều hành công ty kinh doanh khá lớn. Bận bịu như vậy mà chị vẫn dành thời gian làm từ thiện…
- Bởi đó là ước nguyện trong lòng Diễm với hy vọng tất cả bệnh nhân nghèo, trẻ em khuyết tật, các cụ già neo đơn, người vô gia cư luôn được quan tâm và yêu thương. Ở Mỹ, Diễm thường đến các viện dưỡng lão nấu những món ăn bổ dưỡng cho các cụ già, rồi lại đến chơi với những trẻ em bị bệnh tự kỷ, mua đồ chơi và chơi cùng các con. Những năm trước, Diễm có về Việt Nam, đích thân đến những nơi nuôi dưỡng các em bệnh AIDS. Diễm thương lắm, không ngại tiếp xúc, đến thăm, động viên, tài trợ học phí để các em học nghề, không sống lệ thuộc vào người khác. Rồi Diễm đến những nơi nuôi người già, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. Đi cả ngày từ sáng đến tối mà không biết mệt, chỉ thấy lòng nhẹ nhõm, rất hạnh phúc, rất ấm áp. Diễm đi đến không nhiều nơi nhưng thông qua các cầu nối là hội, nhóm thiện nguyện, cá nhân làm từ thiện, Diễm gởi tấm lòng mình đến khá nhiều người dân các tỉnh, thành ở Việt Nam như Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận quê chồng rồi Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh…
● Và rồi cơ duyên nào đó đã đưa chị đến với Bình Định?
“Ðiều tôi ấn tượng sâu sắc nhất về Diễm là em làm từ thiện bằng cả tấm lòng mình, bằng hết khả năng mình. Chính vì vậy mà lần này làm chương trình, em cũng “năn nỉ” tôi cho em bổ sung thêm quà cho người nhận. Chính tôi phải bàn lùi bởi thấy phần quà như vậy là đã đầy đủ ý nghĩa. Em tâm sự rằng, hoàn cảnh kinh tế của gia đình đã đảm bảo nhưng hai vợ chồng vẫn cứ lao vào làm, làm đến mệt nhoài bởi muốn trao gởi tấm lòng đến những người khó khăn, em chỉ muốn “gió cuốn tấm lòng đó đi thôi”…
Bà Tô Thị Thu Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát
- Đúng vậy. Trong hành trình trao gởi tấm lòng mình với người khó khăn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, thông qua một người quen biết, Diễm đã tài trợ cho chương trình trao quà tết cho bệnh nhân phong của Chi hội Tương chao đậu hũ 3. Sau đó, Diễm vô tình tìm thấy facebook của chị Tô Nguyệt, thấy chị đang làm chương trình nấu cháo giúp bệnh nhân nghèo, thấy các cụ, các bác đến lấy cháo, trong đó có những người tàn tật, vậy là Diễm chạnh lòng nên đã chủ động nhắn tin trực tiếp cho chị Nguyệt, ngỏ lòng muốn tài trợ ít thịt cá để những suất ăn có thêm dinh dưỡng, giúp bệnh nhân mau bình phục. Sau đó, như “hợp ý hữu tình” - sự thật thà, rõ ràng, minh bạch trong các chương trình của chị Nguyệt đã làm Diễm có thêm lòng tin nơi chị. Theo đó, Diễm đã nhờ chị Nguyệt làm cho 8 chương trình bữa ăn dinh dưỡng nhân ngày của Mẹ, ngày của Cha, gởi tới những người già neo đơn, trẻ mồ côi - những nơi rất cần sự yêu thương. Diễm rất vui là chị Nguyệt luôn nhiệt tình ủng hộ mình và làm rất tốt mọi việc.
● Được biết, trong chuyến về Việt Nam sắp tới chị đang nóng lòng muốn về Bình Định?
- Đúng vậy, Diễm sẽ về, bởi nơi đây đang có nhiều yêu thương và sự ấm áp. Diễm muốn về cùng với chị Nguyệt nấu cho bệnh nhân khó khăn ở đây những bữa ăn ngon và nhìn thấy họ nở nụ cười. Diễm thường nghĩ thế này: Của cho đã quý nhưng công sức và thời gian của những thiện nguyện viên Việt Nam hỗ trợ mình như chị Nguyệt chẳng hạn thì lại càng quý hơn. Diễm tài trợ bữa ăn dinh dưỡng, tài trợ cặp, nón, áo ấm, học phí… để những người kém may mắn được mặc ấm, được đến trường, được sống an toàn, sống vươn lên, trở thành người có ích. Diễm chưa đến Bình Định nhưng thiết nghĩ đã làm công tác từ thiện mà có duyên đủ thì ở đâu, người nào, không phân biệt chúng tộc đều được quyền nhận sự hỗ trợ. Bản thân hai vợ chồng Kiều Diễm và anh Lê Hải lúc nào cũng muốn làm ấm áp mọi người, mọi nơi bởi tự thấy mình đã nhận nhiều đặc ân nên muốn chia sẻ đến những người kém may mắn hơn.
● Xin cảm ơn chị!
Ông Nguyễn Tấn Hiểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh: Hội đã trao cho nhà hảo tâm Lê Kiều Diễm Bảng tri ân tấm lòng vàng vì cô đã hỗ trợ Chi hội Tương chao đậu hũ 3 Phù Cát tổ chức nhiều chương trình thiết thực, có ý nghĩa. Hội ghi nhận tấm lòng của một người con xa xứ giàu tình nhân ái, góp phần xoa dịu nỗi đau cho đồng bào nghèo, bệnh nhân nghèo, những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Tôi cho rằng, người Việt Nam, dù sinh sống ở đâu thì truyền thống nhân ái “bầu ơi thương lấy bí cùng” vẫn cứ theo người ta vì đó là người Việt. Hoạt động của những người như nhà hảo tâm này hoàn toàn phi chính trị, thuần túy là nhân ái nên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh hoàn toàn khuyến khích, ủng hộ và đón nhận.
NGỌC TÚ (Thực hiện)