Trong ma trận mật ong
Thị trường đa dạng
Các siêu thị trong tỉnh bày bán nhiều loại mật: Mật ong thiên nhiên, mật ong nguyên chất, mật ong sữa chúa, mật ong rừng, mật ong cô đặc với nhiều thương hiệu. Các sản phẩm kết hợp từ mật ong cũng khá nhiều như: Viên nén tinh bột nghệ mật ong, gừng ngâm mật ong, chanh đào mật ong. Trên mỗi sản phẩm đều có ghi đầy đủ thành phần, công dụng, cách sử dụng và địa chỉ của nhà phân phối.
Khách hàng chọn mua mật ong Mây.
Tuy nhiên, rất nhiều người chọn mua mật ong không nhãn hiệu, xuất xứ… quen được gọi là hàng “no name” theo kiểu người này dùng xong chỉ lại cho người khác. Người bán loại mật ong này thường phân loại mật theo giống ong, loài hoa, cách nuôi để bán và biên độ giá thì rất rộng, mỗi lít từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Không chỉ các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, nhiều kênh bán hàng như: Cửa hàng tạp hóa, chợ, mạng xã hội cũng bán đủ loại mật ong cà phê, mật ong rừng tràm, mật ong ruồi... Đa phần người bán đều cam kết là mật thật 100%, không có chất bảo quản, nhưng đáng tin cậy tới đâu thì rất khó xác định.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện thủ đoạn làm mật giả cực kỳ tinh vi nên mật ong giả có thể dễ dàng vượt qua các mẹo thử truyền miệng xưa nay. Để đảm bảo mua được loại mật ong mình cần, tốt hơn hết người tiêu dùng nên tìm mua sản phẩm của những thương hiệu uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Bà Lê Cẩm Tiên, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn cho biết: “Về hình thức, các loại mật ong nhìn giống nhau, đều có hàm lượng đường, độ sánh đặc cao. Tôi chọn mua mật ong tại siêu thị do các loại mật ong này có nhãn mác, cơ sở sản xuất, kiểm tra chất lượng rõ ràng!”.
“Mật ong thương hiệu” Bình Định
Đáng mừng là tại Bình Định, hiện nhiều trang trại, cơ sở sản xuất mật ong đang nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng như: Thành Tín, Cảnh Duy, Mây. Tùy loại mật mà giá bán cũng khác nhau, như: Mật ong Cảnh Duy Vân Canh giá 250 - 400 nghìn đồng/lít; mật ong Mây An Lão 500 nghìn đồng/lít, mật ong dú Thành Tín giá 1,6 triệu đồng/lít.
Bà Phạm Thị Triều, chủ cơ sở sản xuất mật ong Mây, tại thôn Tân An, xã An Tân, huyện An Lão, cho biết: “Không chỉ đảm bảo chất lượng mật ong, chúng tôi còn cải tiến nhãn mác, sử dụng chai thủy tinh cao cấp với nhiều dung tích, kiểu dáng khác nhau đáp ứng nhu cầu khách hàng mua dùng, làm quà biếu. Tuy nhiên, vì nguồn mật ong tự nhiên ở địa phương chưa có nhiều nên chúng tôi chưa mở thêm kênh phân phối”.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mật ong ở Bình Định bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, kỹ thuật nuôi ong, cách thức sản xuất, trau chuốt bao bì, mẫu mã sản phẩm. Những nỗ lực đó sẽ giúp mật ong Bình Định nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Với mật ong dú, cơ sở sản xuất không đủ cung cấp cho khách. Ông Tô Vũ Thành Tín, chủ cơ sở sản xuất mật ong dú Thành Tín, thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân cho biết: “Cơ sở tôi có 200 ổ ong nhưng loại ong này cho mật rất ít, năm nhiều nhất cũng chỉ lấy được có 100 lít mật. Giá mật hiện nay ở mức 1,6 triệu đồng/lít, nhưng khách phải đặt trước và chờ đến lượt giao”.
Dù lượng hàng khách đặt mua thường xuyên cao gấp 2 - 3 lần năng lực sản xuất nhưng cơ sở chưa thể mở rộng. Theo ông Tín, đặc tính của loại ong này khó tách bầy nên 6 năm qua, cơ sở chỉ phát triển từ 100 lên 200 ổ. Hiện ông Tín đang tìm cách mua ổ ong dú tự nhiên ở vùng lân cận nuôi thử nghiệm trên diện tích 1 ha rừng tại địa phương, đầu tư hơn 600 triệu đồng trồng thêm nhiều loại hoa, cây ăn trái tạo nguồn thức ăn cho ong.
Bài, ảnh: HẢI YẾN