KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ PHÙNG CHÍ KIÊN (18.5.1901 - 18.5.2021)
Người cộng sản mẫu mực, nhà quân sự tài ba
Ðồng chí Phùng Chí Kiên là người chiến sĩ cộng sản mà lời nói luôn đi đôi với việc làm, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ðồng chí đã giữ vững khí tiết cách mạng, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân.
Người cộng sản mẫu mực
Đồng chí Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, xuất thân trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Lớn lên trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, Nguyễn Vĩ mang khát khao, hoài bão cứu nước cứu dân.
Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý (Diễn Châu); gặp gỡ, giao lưu với nhiều tầng lớp người; sớm tiếp cận tư tưởng tiến bộ, nắm bắt tin tức về Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cộng sản quốc tế, hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Tháng 10.1926, Nguyễn Vĩ sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức và đổi tên là Phùng Chí Kiên. Sau khóa học, Phùng Chí Kiên được Nguyễn Ái Quốc gửi vào học tại Trường quân sự Hoàng Phố. Năm sau, Tưởng Giới Thạch phản bội nên nhà trường bị đóng cửa, Phùng Chí Kiên đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt và bị quân Tưởng bắt giam 9 tháng trong nhà tù Quảng Châu. Khi được trả tự do, Phùng Chí Kiên trở lại Trường quân sự Hoàng Phố.
Tháng 12.1930, Phùng Chí Kiên về Hồng Kông, gặp lại đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Ma Cao (Trung Quốc) và tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 3.1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp ở Ma Cao, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chỉ định vào Ban Thường vụ của Đảng.
Giữa năm 1937, đồng chí Phùng Chí Kiên về Sài Gòn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước. Do yêu cầu của cách mạng, cuối năm 1937, đồng chí trở lại Hồng Kông lãnh đạo Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng thay đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động. Đến cuối tháng 10.1938, đồng chí bị bắt, sau đó được trả tự do và bị trục xuất khỏi Hồng Kông.
Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh (Trung Quốc); thời gian này, đồng chí Phùng Chí Kiên làm việc bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc và nhiều lần đưa Người đi khảo sát những cơ sở cách mạng dọc tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu.
Ngày 28.1.1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng đồng chí Phùng Chí Kiên vượt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc về Pác Bó (Cao Bằng). Tại mảnh đất “phên dậu” phía Đông Bắc của Tổ quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, bảo vệ khu căn cứ cách mạng. Những năm tháng được hoạt động bên cạnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc, với nhiều trọng trách khác nhau (huấn luyện, đào tạo cán bộ, chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bảo vệ, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Bắc Sơn - Võ Nhai...), đồng chí Phùng Chí Kiên đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Nhà quân sự tài ba, lỗi lạc
Lòng yêu nước, khát khao giải phóng dân tộc của đồng chí Phùng Chí Kiên đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tố chất thông minh, nhạy cảm trong học tập, tiếp thu khoa học quân sự của đồng chí được Trường ĐH Phương Đông và cố vấn quân sự Liên Xô nhận xét: “Qua học tập và rèn luyện, đồng chí Phùng Chí Kiên tỏ rõ là người có năng lực về quân sự”.
Khu lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên tại xã Diễn Yên (Diễn Châu, Nghệ An).
Tài năng quân sự của đồng chí Phùng Chí Kiên bộc lộ rõ nhất trong thời kỳ hoạt động ở Cao Bằng. Để có tài liệu giảng dạy cho cán bộ địa phương, đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao Phùng Chí Kiên soạn thảo các bài viết về “Con đường giải phóng dân tộc”, trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích; đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Bài học có giá trị nhất được đồng chí vận dụng sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phùng Chí Kiên, đội Cứu quốc quân đã bảo vệ an toàn Khu căn cứ Bắc Sơn, xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương.
Tháng 9.1940, khởi nghĩa Bắc Sơn gây tiếng vang lớn trong cả nước; thực dân Pháp huy động khoảng 4.000 quân cùng bọn cường hào phản động địa phương tấn công khu căn cứ cách mạng. Đồng chí Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đập tan một số trận càn lớn của địch. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, đồng chí Phùng Chí Kiên chủ trương rút quân ra khỏi vòng vây của địch. Tháng 8.1941, đội Cứu quốc quân chia làm hai cánh quân rút về phía Cao Bằng và Lạng Sơn. Cánh quân rút về phía Lạng Sơn sau đó sang biên giới Việt - Trung an toàn. Cánh quân rút về phía Cao Bằng, khi qua vùng Na Rì (Bắc Cạn), bị địch phục kích; đồng chí Phùng Chí Kiên chiến đấu kiên cường đến hơi thở cuối cùng và đã anh dũng hy sinh vào ngày 22.8.1941, khi mới 40 tuổi đời và trong lúc tài năng đang nở rộ.
Ngày 23.9.1947, ghi nhận công lao của đồng chí Phùng Chí Kiên trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh truy phong cấp tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta.
QUY THÀNH