Ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng
Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, xâm nhập thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc nếu sử dụng và bảo quản thực phẩm không đúng cách. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng tăng cao vì mùa này việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, thức ăn không nấu chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... Đặc biệt, thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… càng dễ mắc phải nguy cơ này.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng (BVĐK tỉnh), cho biết: Có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm hay gặp như thực phẩm bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và các độc tố của chúng); thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia (hóa chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, tạo vị, hóa chất chống sâu mọt); thực phẩm tự nó có chứa độc chất (cá nóc, gan cóc, trứng cóc, nấm độc…), hoặc thực phẩm bị nhiễm độc các hóa chất do ô nhiễm môi trường (asen, kẽm, chì...).
Nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm càng gia tăng tại các đám cưới, giỗ, bếp ăn tập thể... Bên cạnh đó, hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm đang trở thành nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra các lưu ý: Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống sôi. Đối với việc bảo quản thực phẩm cần lưu ý tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Vì thế nếu dự trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng hơn. Ngoài ra, cần sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Không để thực phẩm chín chung với thực phẩm sống vì dễ bị lây nhiễm chéo... làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)