Sân khấu ca nhạc đang hướng về đâu?
Nâng cao tâm hồn hay giải trí? Vì đời sống tinh thần hay là vì tiền bạc? Thời thượng hay vươn tới đỉnh cao? Vay mượn sống sượng hay tiếp thụ tinh hoa để làm giàu bản sắc? Ðâu là lương tâm nghệ sĩ, vai trò nhà quản lý và báo chí?,... Ðó là những câu hỏi đang cần được trả lời khi nhìn vào thực trạng âm nhạc nước nhà, đã và đang xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại...
Cách đây ít ngày trên một tờ báo, bàn về bản quyền tác phẩm âm nhạc, nữ ca sĩ nọ cho rằng: "Xã hội của chúng ta đang phát triển. Nhưng âm nhạc của chúng ta thì đang giậm chân tại chỗ. Ca sĩ, nhạc sĩ rất khổ và tốn kém khi làm ra một sản phẩm âm nhạc. Nhưng vừa ra mắt thì đã tràn ngập trên mạng nên khả năng gỡ vốn là rất khó. Ðiều đó khiến nhiều nghệ sĩ nản lòng không dám đầu tư lớn, chỉ đi hát show, hát bar kiếm tiền, nên âm nhạc Việt Nam ngày càng đi xuống". Thiết nghĩ, điều nữ ca sĩ nói là có cơ sở thực tế, nhưng nếu liên tưởng tới việc chị từng bốn lần vào danh sách "nghệ sĩ ăn mặc phản cảm", năm 2012 bị cơ quan chức năng phạt 3,5 triệu đồng vì "mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam" lại thấy e ngại. Nói cách khác, "nền âm nhạc Việt Nam ngày càng đi xuống" đâu phải chỉ do chuyện bản quyền, chẳng lẽ các sự kiện như xử phạt và "danh sách" ấy lại không góp phần vào đó hay sao!?
Ai cũng biết nghệ thuật vốn rất cao quý. Hoạt động nghệ thuật đòi hỏi sự vô tư, trong sáng đến tận cùng của người nghệ sĩ, trong suốt cả cuộc đời, thậm chí hy sinh vì nó. Cha ông từng ví người nghệ sĩ như "kiếp tằm rút ruột để nhả tơ" để dệt nên lụa là cuộc sống. Ai cũng biết trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ với tư cách là chiến sĩ đã luôn có mặt ở các chiến trường nóng bỏng để sáng tác và phục vụ. Nhiều người trong số họ đã hy sinh, nhưng đã để lại những tác phẩm bất tử và họ sống mãi trong sự kính trọng, biết ơn của nhân dân. Còn ngày nay? Vai trò của internet và toàn cầu hóa giúp chúng ta tiếp xúc, thụ hưởng nhiều tinh hoa của nghệ thuật nhân loại một cách nhanh chóng; nhưng đồng thời cũng buộc chúng ta lại phải đối diện với "cơn bão của cuộc xâm lăng văn hóa" kiểu mới. Cùng với các mặt trái của kinh tế thị trường, khi người ta đặt đồng tiền và vật chất lên trên các giá trị, thì cơn bão ấy có thể làm lung lay nền tảng đạo đức và các giá trị văn hóa, trước hết là giá trị con người. Từ bối cảnh đó nhìn vào đời sống âm nhạc, ngoài một số thành tựu nhất định, chúng ta lại không thể không thừa nhận hiện đang có một số khuynh hướng đáng quan ngại.
Trước hết, đó là sự "mất lửa", thiếu cảm xúc chân thành, sâu sắc. Nói đầy đủ hơn, ngoài cái riêng của mình hầu như người sáng tác không nắm bắt, không có khả năng làm thức dậy cảm hứng lớn, không nuôi dưỡng, gieo cấy được khát vọng, tình cảm cao thượng, lạc quan vào tâm hồn con người. Ngay cả khi nói về cái tôi, cũng chỉ là cái tôi nhỏ bé, than vãn cho tình yêu. Bằng chứng là tiếng cô đơn, tiếng buồn, tiếng chơi vơi, thậm chí cả tiếng tục tĩu cũng xuất hiện trong nhiều ca khúc. Và sự nhạt nhẽo có mặt ngay cả ở các ca khúc được coi là "hit", ví như: "Anh chỉ đến bên em lúc buồn. Vậy những ngày vui anh về nơi đâu. Anh chỉ đến bên em lúc say. Vì hết say anh ở đâu" (Anh muốn em sống sao), hoặc một ca khúc được ưa chuộng lại hề hài một cách tầm thường: "Bà xã tui number one. Lối xóm ai cũng thương thường hay khen tặng vợ tui. Cứ nói tui sướng ghê vì gặp phải cô vợ hiền. Lo cho chồng cơ cực chẳng than. Yêu thương chồng dù chẳng giàu sang. Nào có ai hết sảy hơn bà xã. Bà xã tui number one, number one, number one" (Bà xã tui number one). Thêm vào đó là có ca sĩ lên sân khấu dường như ít quan tâm đến việc làm sao phải hát cho hay, mà chú ý đến trang phục và làm thế nào thật nóng bỏng, thật gợi cảm. Rồi gào, rồi hú hét và nhảy nhót. Lười nhác thì nếu có cơ hội, họ không ngại "hát nhép" để lừa người nghe. Rất ít người hát bằng rung cảm từ bên trong mà lên sân khấu hát như hát cho xong "suất", để còn chạy kịp theo "sô" khác!
Kế đến là hội chứng "sao" và những "điểm đen" trên bầu trời nghệ thuật. Trở thành ngôi sao, trở thành Diva là khát vọng đáng trân trọng của ca sĩ. Nhưng bản chất, mục đích của nghệ thuật không phải vì mục đích của riêng nghệ sĩ. "Sao" hay Diva là sự tổng kết về tài năng và trình độ nghệ thuật, là thành tựu trong hoạt động của nghệ sĩ và được công chúng thừa nhận. Nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND là rất vinh dự. Nhưng trước đây khi chưa có việc phong tặng, vẫn có nghệ sĩ thật sự được nhân dân quý trọng, và tên tuổi họ được hậu thế lưu danh. Rồi khi mà danh sách NSƯT, NSND ngày càng nối dài thì có tình trạng không phải người nào cũng được công chúng biết đến, vì thế có lẽ phải đặt câu hỏi: Phải chăng đang có cuộc chạy đua hình thức, khiến khoảng cách giữa "danh" và "thực" trở nên quá xa? Nếu từ một số lĩnh vực xã hội xuất hiện hiện tượng giải thưởng lớn nhưng công trình thiếu ý nghĩa thực tiễn (nếu không nói vô bổ), học hàm, học vị cao thì nhiều, nhưng người giỏi thì ít,... nhìn vào âm nhạc, lại thấy có học sinh đoạt một chút giải gì đó về âm nhạc đã ngỡ mình là "sao", lập tức bỏ học để đi hát và rồi hét giá theo "sao". Người viết bài này từng biết về một, hai ca sĩ được quê hương ưu ái cho đi học, vừa đi thi được cái giải là lập tức họ đòi cát-xê hàng chục triệu đồng. Nghĩa là khi đã coi mình là "sao" thì họ thoát ly tất cả. Mà vì họ là "sao" nên cát-xê tại Việt Nam cũng có giá trên trời, như báo chí đưa tin một "danh hài" có giá "sô" diễn tới 100 triệu đồng, ca sĩ nọ đi hát đám cưới ở tỉnh là 15.000 USD, ca sĩ khác khoảng 6.000 USD, tham dự một sự kiện hát một vài bài cũng khoảng từ 20 đến 50 triệu đồng... Nghĩa là, cứ theo bước chân biểu diễn của một số người thì đời ca hát chỉ còn gắn chủ yếu vào màn hình, đám cưới, phòng trà, sự kiện có thuê mướn!
Khi đồng tiền có thể chi phối đời sống nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, thì người có tiền thường không quan tâm nâng đỡ nghệ thuật, mà chủ yếu sử dụng nghệ thuật để đánh bóng mình. Tại một số cuộc thi lớn, logo doanh nghiệp từ sân khấu đập vào mắt người xem và buộc họ phải tự hỏi: Nếu không có logo kia thì chương trình diễn ra hay không? Và đương nhiên, không ít điều thiếu lành mạnh đã xảy ra. Ðể rồi, có ca sĩ khi gọi là "sao" lại đi lừa đảo, đánh bạc, ăn chơi xa hoa. Lại có người có hành vi phản cảm như "hôn môi nhà sư", văng tục trên mạng và trong cả một số bài trả lời phỏng vấn, đùa giỡn trên ghế nóng... Khi đã có "sao" lơ lửng thì báo chí ca ngợi lên mây xanh. Có báo điện tử, trang điện tử hầu như chỉ làm một việc là chạy theo các "sao" như chạy theo "vĩ nhân". Phần lớn địa chỉ này hiện đều dành chuyên trang, chuyên mục cho "sao". Ca sĩ mới có chút năng khiếu, chỉ được một hai "giải thưởng" là được tâng bốc thành tài năng siêu việt. Rồi người ta viết báo để phân tích trình độ nghệ thuật của họ thì ít mà nói chuyện ăn mặc, eo ót, yêu đương, tình cũ tình mới thì nhiều, cơ hồ như là đối với họ thì không còn chuyện gì khác! Việc làm này chỉ đưa tới hệ lụy là giúp đẩy nhanh các "sao" ra khỏi bầu trời nghệ thuật, rốt cuộc chỉ thỏa mãn người đọc hiếu kỳ hóng chuyện giật gân ồn ào này được một vài tuần, rồi lại chuyển sang hóng chuyện giật gân ồn ào khác!
Và nổi lên trong các điều cần quan tâm của đời sống âm nhạc là xu hướng chuộng ngoại, lai căng; phổ thông lấn át bác học. Theo nhạc sĩ Ðỗ Hồng Quân, nếu kể từ bản giao hưởng Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt (1960) thì số tác phẩm khí nhạc của Việt Nam có lẽ cũng gần đến một nghìn. Ngoài một phần nhỏ đã được sử dụng và đem lại niềm tự hào cho âm nhạc Việt Nam như Lý hoài nam, Ngày hội non sông của Nguyễn Văn Thương; Vũ khúc Tây Nguyên, Mùa xuân trên rừng của Ðỗ Nhuận, Vì miền Nam của Huy Thục, Vũ điệu đêm rằm của Hoàng Cương... thì hầu hết đang còn nằm trong ngăn kéo của nhạc sĩ, hoặc đã mất mát. Một sự mất cân đối khác là âm nhạc bác học hay âm nhạc nghệ thuật (art music) lại đang bị lấn át trước âm nhạc phổ thông (popular music). Ðiều này một phần xuất phát từ trình độ nhạc sĩ, ca sĩ và công chúng chưa được nâng cao; nhưng chủ yếu do tác động của quan niệm đề cao tính giải trí của nghệ thuật, của quan niệm coi "khách hàng là thượng đế". Ðó là điều đúng trong kinh doanh, còn nghệ thuật lại vừa phải "nương theo thượng đế", vừa phải "tạo ra thượng đế". Rồi nữa là trong một số chương trình ca nhạc, trong khi ca sĩ líu lo tiếng Anh, thậm chí lấy nghệ danh Tây, lại có chương trình có tên gọi toàn Tây như In the spotlight (Trong ánh đèn sân khấu), The Voice (Giọng hát). Không rõ khi đặt tên chương trình như vậy, người ta thấy tiếng Việt không có khả năng diễn tả điều người ta muốn mang đến với công chúng, hay tiếng Việt lại kém cỏi hơn tiếng Anh? Nhà thơ Huy Cận từng tâm sự: Hồi chúng tôi học trường Tây, thèm được học tiếng Việt, nói tiếng Việt mà không được. Phải đấu tranh dữ lắm, kể cả chấp nhận bị đuổi học để được học Việt văn. Không có gì thiêng liêng hơn tiếng mẹ đẻ. Mà tiếng Việt ta rất hay, cần phải làm giàu nó, đừng phá hỏng nó... Trong một lần nghe các ca sĩ Việt hát ca khúc Tây, nhảy như Tây, một nhà văn châu Âu khẽ nói với tôi: "Nếu cái bạn bắt chước người ta thì không bao giờ bằng được. Tôi muốn các bạn cho tôi thấy cái riêng của các bạn" và phải thừa nhận người bạn nước ngoài nói có lý.
Giải trí hay nâng cao hồn người? Vì đời sống tinh thần hay vì tiền bạc? Thời thượng hay vươn tới đỉnh cao? Dùng cái vay mượn hay tiếp thụ tinh hoa làm giàu bản sắc? Ðâu là lương tâm nghệ sĩ, vai trò nhà quản lý và báo chí? Ðó là những câu hỏi đã đến lúc phải trả lời nghiêm túc. Vì không thể để nghệ thuật bị thao túng, không thể để cho công cụ truyền thông của Nhà nước bị lợi dụng. Và để trở thành nghệ sĩ lớn, ngoài năng khiếu, thì không có cách nào khác là phải suốt đời lao động, khổ luyện, trau dồi nhân cách, đặt cống hiến lên trên tất thảy. Không có nghề nghiệp nào đòi hỏi sự tự nguyện, vô tư như nghệ thuật; không có nghề nghiệp nào tác động mạnh mẽ và sâu sắc vào tâm hồn con người như nghệ thuật. Và để làm được nghề cao quý đó, trước hết phải có tâm hồn cao quý.
. Theo NGUYỄN SĨ ÐẠI (Nhân Dân)