Chế độ dinh dưỡng cho người béo phì
Điều chỉnh chế độ ăn uống kết hợp các hoạt động thể lực là cách điều trị béo phì tốt nhất. Nên ăn theo thực đơn dinh dưỡng của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Ăn thịt nạc, cá, thịt gia cầm bỏ da, tôm, đậu phụ... Nếu uống sữa nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ), không nên uống sữa đặc có đường. Bữa sáng nên ăn nhiều để tránh trẻ ăn vặt ở trường, giảm ăn về chiều và tối. Nên ăn nhiều rau xanh, quả chín ít ngọt. Giảm bớt gạo, thay bằng khoai, bắp là những thực phẩm cơ bản giàu chất xơ. Khi chế biến thức ăn hạn chế các món xào, rán, nên ăn các món luộc, hấp. Nên ăn đều đặn, không bỏ bữa, không để trẻ quá đói, vì nếu quá đói trẻ sẽ ăn nhiều các bữa sau sẽ gây tích lũy mỡ nhanh hơn. Nhai kỹ và chậm khi ăn. Kết hợp khẩu phần ăn ít chất béo, uống nhiều nước lọc và ăn vừa đủ, không quá no.
Không uống các loại nước ngọt có gas. Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, kem, mứt, chocolate... Không dự trữ các loại thức ăn giàu năng lượng như bơ, phomat, bánh kẹo, nước ngọt trong nhà... Không ăn vào lúc tối trước khi đi ngủ. Lưu ý, trẻ dưới 12 tuổi không dùng thuốc giảm béo.
Đối với trẻ nhỏ chủ yếu nuôi bằng sữa mẹ, bú sữa mẹ ít có nguy cơ béo phì hơn sữa công thức. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, nên tạo cho trẻ thói quen ăn rau từ nhỏ, không cho trẻ ăn quả ngọt, uống nước ngọt... Đối với trẻ lớn, giáo dục cho trẻ lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, năng vận động, luyện tập TDTT. Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời, tránh béo phì.
Theo suckhoedoisong.vn