Phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại từ thiên tai: Dự lường phương án, chủ động ứng phó
Trước những thách thức lớn đặt ra đối với công tác phòng chống thiên tai, tỉnh ta xác định nhiệm vụ trọng tâm là rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, cơ chế chính sách... một cách bài bản, toàn diện.
Những ngôi nhà nằm dưới chân núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) luôn đối diện với nguy cơ sạt lở núi.
Cuối năm 2020, sau khi xảy ra nhiều vụ sạt lở đất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại các tỉnh khu vực miền Trung, đoàn khảo sát liên ngành do Bộ CHQS tỉnh chủ trì đã đi khảo sát thực địa các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, để tham mưu cho UBND tỉnh, đặc biệt là Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, đề ra các phương án ứng phó hiệu quả, hạn chế rủi ro. Qua khảo sát thực tế và đánh giá của các ngành chức năng, đoàn xác định trên địa bàn tỉnh có 12 khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản; có 8 khu vực có nguy cơ bị chia cắt giao thông, cô lập dân cư khi sạt lở đất xảy ra. Các khu vực này chủ yếu tập trung ở các huyện: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Phù Cát và TP Quy Nhơn.
Sở NN&PTNT cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 15 dự án tái định cư (TĐC) nhân dân vùng thiên tai. Trong đó, có 10 dự án TĐC tập trung, 5 dự án TĐC xen ghép với quy mô 2.347 hộ gia đình. Tuy nhiên, ý thức của người dân về phòng tránh thiên tai chưa cao; công tác đền bù, tạo sinh kế cho người dân còn gặp nhiều khó khăn nên đến cuối năm 2020 mới bố trí ổn định cho 859 hộ, còn 1.488 hộ chưa TĐC. Riêng hai dự án TĐC Vinh Quang (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) quy mô 282 hộ và dự án TĐC di dời dân vùng sạt lở núi Gành (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) sẽ tập trung triển khai hoàn thành trước mùa mưa lũ 2021.
Giai đoạn 2016 - 2020, thiên tai (bão lũ, sạt lở đất, nước biển dâng) đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh: 96 người chết, mất tích; 1.298 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 306.758 ngôi nhà hư hỏng; 343 phòng học sập, tốc mái; 60 chiếc tàu thuyền bị chìm, 70 chiếc hư hỏng; công trình thủy lợi thiệt hại 850 tỷ đồng, giao thông 1.800 tỷ đồng, công nghiệp 190 tỷ đồng…
(Thống kê của Sở NN&PTNT)
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết thêm: “Đầu năm 2021 đến nay, các địa phương tiếp tục di dời thêm được 12 hộ/47 người dân ra vùng ảnh hưởng thiên tai đến ổn định đời sống tại các khu TĐC. Ngoài ra, qua thực hiện rà soát vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách trong giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện 21 dự án, phương án TĐC cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng. Trong đó, tổng số dân sẽ di dời để TĐC là 9.749 người; kinh phí đề xuất là 482,8 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 337,96 tỷ đồng, ngân sách địa phương 144,84 tỷ đồng”.
Cùng với đó, tỉnh đã kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng 37 trạm báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao. Tỉnh cũng đã lên phương án khi có bão mạnh, nước biển dâng sẽ sơ tán gần 18.000 người dân các xã, phường ven biển của 5 huyện, thị xã, thành phố đến nơi an toàn.
Về phương án ứng phó với sạt lở đất, sau khi hoàn thành khảo sát, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị liên quan đã đề ra một số phương án chính và xác định công tác phòng ngừa là ưu tiên hàng đầu. Thượng tá Đỗ Xuân Hùng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh - cho biết: “Yêu cầu đặt ra là phải tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, phát triển lực lượng xung kích cơ sở và đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện. Đồng thời, các ngành chức năng cũng sẽ xây dựng bản đồ các khu vực có nguy cơ sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, phổ biến tới chính quyền các cấp và người dân biết để chủ động ứng phó”.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC