Kinh phí bầu cử Quốc hội và HĐND trên toàn quốc là 1.500 tỷ đồng
Đến nay, Bộ Tài chính đã phân bổ kinh phí đợt 1, đợt 2 cho các cơ quan Trung ương và địa phương 1.469 tỷ đồng thực hiện công tác bầu cử.
Báo cáo về công tác tài chính chuẩn bị bầu cử tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức sáng 18.5, ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, tổng kinh phí bầu cử toàn quốc là 1.500 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã phân bổ kinh phí đợt 1, đợt 2 cho các cơ quan Trung ương và địa phương theo số kinh phí Thủ tướng đã quyết định là 1469,521 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh tế hạn hẹp, các địa phương đã cố gắng bố trí kinh phí đảm bảo phục vụ công tác bầu cử.
Sáng 16.5, cử tri ở 6 xã biên giới của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bỏ phiếu sớm, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Về tình hình tổ chức bầu cử sớm, theo đề nghị của Ủy ban bầu cử 15 tỉnh, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này được bỏ phiếu sớm. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn 3 tỉnh đã có một số khu vực được bỏ phiếu sớm.
Công tác chuẩn bị bầu cử bám sát kế hoạch
Theo ông Bùi Văn Cường, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được các cấp, các ngành, tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị bầu cử đã bám sát kế hoạch đúng trình tự theo luật định.
Tuy nhiên, theo Hội đồng bầu cử Quốc gia, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số vướng mắc nhất định đó là một số địa phương có số lượng người đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri; số lượng các buổi bố trí cho ứng viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp với tình hình bùng phát dịch Covid-19; chưa chú trọng các phương tiện truyền thông trong vận động bầu cử; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn chậm; công tác tuyên truyền có nơi chưa thực sự có tác động rộng rãi trong toàn dân.
Một số nơi việc bố trí kinh phí còn hạn chế, một số địa phương lập danh sách cử tri chưa chính xác, thiếu thông tin theo quy định. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp vẫn còn tình trạng người đi từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan không đeo khẩu trang nơi công cộng, tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt quy định 5K, gây khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử. Có nơi chưa chủ động xây dựng phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu...
Theo Kim Anh (VOV.VN)