Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2021)
Học Bác tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân
Cả đời mình, nhất quán từ phong cách sinh hoạt đến khi chuyện trò, viết lách, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mẫu mực về sự gần dân, trọng dân để phát huy sức mạnh của toàn dân.
Từ buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở thành lãnh tụ, từ việc lớn đến việc nhỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người thường nhắc đến câu ca truyền miệng ở đất Quảng Bình: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bác Hồ cấy thử máy cấy tại Trại thí nghiệm của thanh niên ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, năm 1960. ẢNH TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng quần chúng nhân dân là chủ thể của cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng”. Để nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì Đảng phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân và tuyên truyền, vận động nhân dân giác ngộ, tự nguyện làm tròn bổn phận và trách nhiệm công dân của mình.
Tư tưởng gần dân, trọng dân được minh chứng trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ trong vòng 10 năm (1955 - 1965), dù tuổi đã cao, công việc bộn bề, Người vẫn có đến 700 lượt đi thăm các địa phương, đơn vị bộ đội… từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo để thăm hỏi đồng bào và chiến sĩ, xem xét tình hình, kiểm tra từng việc lớn đến việc nhỏ. Người gần gũi với các cụ già, trẻ thơ, thăm hỏi ân cần, nhỏ to tâm sự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II (7.1960). ẢNH TƯ LIỆU
“Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân, trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng việc phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì tạo thành sức mạnh vô địch”, Người khẳng định.
Học tập phong cách quần chúng, gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống thực tiễn. Đó là cơ sở quan trọng để nâng cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy sức mạnh tập thể của nhân dân để xây dựng cuộc sống mới.
Từ sự đóng góp của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hoài Nhơn đã làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Ảnh: Hoài Nhơn News
Trên địa bàn tỉnh Bình Định, kết quả của phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới là minh chứng rõ ràng cho bài học gần dân, trọng dân, huy động sức dân. Trong đó, Hoài Nhơn là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018, sớm 2 năm so với kế hoạch; được công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2019, vượt kế hoạch đề ra. Ngày 1.6.2020, TX Hoài Nhơn chính thức được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của Hoài Nhơn.
“Quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, yếu tố “dân chủ” luôn được Hoài Nhơn đặt lên hàng đầu theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”. Từ đó tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong từng hoạt động cụ thể. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã hiến gần 288 nghìn m2 đất, trên 16.000 cây dừa và hàng chục nghìn cây trồng khác; đóng góp gần 100 tỷ đồng và hàng trăm nghìn ngày công. Qua lấy ý kiến về kết quả xây dựng nông thôn mới, trên 97,2% số hộ bày tỏ sự hài lòng cao. Các thế hệ lãnh đạo TX Hoài Nhơn luôn trân trọng và biết ơn sự đóng góp về mọi mặt của các tầng lớp nhân dân trong toàn thị xã”, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Phạm Trương bày tỏ.
NGUYỄN VĂN TRANG