BẦU CỬ ÐBQH KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HÐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026:
Tổ chức an toàn, đảm bảo quyền bỏ phiếu của cử tri
Cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh - yêu cầu quan trọng đặt ra lúc này là phải tổ chức cuộc bầu cử an toàn, đảm bảo quyền bỏ phiếu của tất cả cử tri.
Theo đồng chí Hồ Quốc Dũng, trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, Ban Bí thư, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các bộ, cơ quan Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về việc thực hiện nghiêm các quy định, giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và công tác tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong điều kiện phòng, chống dịch. Bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi ngày bầu cử 23.5 đang đến gần.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bên trái) trao đổi với Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng về công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn thành phố. Ảnh: VĂN TRANG
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên
● Thưa đồng chí, để tổ chức thành công cuộc bầu cử trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng cần chú trọng những nhiệm vụ nào?
- Trước hết, ban chỉ đạo bầu cử của các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử ở địa phương.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt là động viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; nghiên cứu kỹ danh sách, tiểu sử, quá trình công tác, chương trình hành động của những người ứng cử, từ đó sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh đó, ban chỉ đạo bầu cử các cấp cần chú trọng chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực tế địa phương.
Trong quá trình thực hiện, từng cán bộ, đảng viên và gia đình phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử, tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Chuẩn bị chu đáo cho từng kịch bản cụ thể
● Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong tỉnh, nhiều trường hợp phải cách ly, theo dõi tại bệnh viện, cơ sở cách ly tập trung và tại nhà, nơi cư trú. Bên cạnh giữ an toàn phòng, chống dịch bệnh, yêu cầu quan trọng khác là đảm bảo quyền bầu cử của các cử tri “đặc biệt” này...
- Đúng vậy, đảm bảo quyền bỏ phiếu của tất cả cử tri là yêu cầu quan trọng của cuộc bầu cử. Do đó, Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh đã có văn bản số 96-CV/TU ngày 14.5.2021 yêu cầu Ủy ban bầu cử tỉnh chuẩn bị phương án bầu cử trong trường hợp có dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Ban chỉ đạo bầu cử cấp huyện, xã chỉ đạo ủy ban bầu cử cùng cấp tích cực phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh về các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình bỏ phiếu bầu cử. Cùng với đó là chủ động rà soát, nắm chắc tình hình cử tri đang cách ly, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả công dân thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
● Để thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” - vừa đảm bảo quyền bỏ phiếu của cử tri vừa phòng dịch, công tác chuẩn bị trong thời gian ngắn còn lại trước ngày bầu cử cần chú ý những yêu cầu nào, thưa đồng chí?
- Đầu tiên phải phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thực hiện chế tài xử phạt, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Tổ chức tập huấn, diễn tập để chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra và thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động nhân dân đoàn kết, đồng lòng, tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và điều kiện, tình hình cụ thể, Ủy ban bầu cử tỉnh xây dựng phương án, kịch bản bỏ phiếu bầu cử linh hoạt, phù hợp, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đồng thời đảm bảo an toàn phòng dịch. Trong đó, trọng tâm là hướng dẫn cụ thể trình tự thực hiện bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu cho người đang cách ly.
Trong quá trình chuẩn bị, cần lưu ý đến nhân lực dự phòng phục vụ bầu cử. Trường hợp thành viên tổ bầu cử, tổ kiểm phiếu có tiếp xúc gần với người được xác định mắc Covid-19 (F1, F2) phải cách ly thì có phương án sẵn sàng thay thế với những người đủ điều kiện, đã được tập huấn nghiệp vụ kỹ càng.
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)