Cảm xúc trước “Ngày hội lớn”
Đưa con về quê ngoại rồi nội gửi vì trường nghỉ hè sớm “chạy” dịch - trùng thời điểm những ngày cận kề bầu cử, tôi có dịp cảm nhận sức “nóng”, sự lan tỏa, sự hiện diện đậm nét của ngày hội chính trị trong đời sống người dân. Cứ ngỡ ở phố, việc tiếp cận thông tin thuận lợi hơn, người dân có điều kiện hơn để quan tâm đến những chuyện “đại sự quốc gia”; vậy mà không, bầu cử luôn là chủ đề thời sự hằng ngày ở những nơi bà con có mức sống còn thấp và đang mùa vụ như quê tôi.
Sau khi đã phổ biến đầy đủ cách thức bầu cử đến từng cử tri trong thôn, đồng chí trưởng thôn phấn khởi cho hay: “Đại đa số bà con đã xác định đi bầu cử là lịch “cứng”của hôm đó” (tức ngày 23.5) và xem đây là đầu việc được ưu tiên hàng đầu trong ngày, nhất định phải chờ thực hiện xong mới đi làm việc khác”.
Chẳng nói đâu xa, gia đình tôi có 3 cử tri trung niên và cao niên, cả 3 đều chủ động, nghiêm túc trong việc đi bầu cử. Trong đó, nội tôi, một người vợ liệt sĩ, dẫu đã 83 tuổi, đi lại khá khó khăn nên chẳng mấy khi rời khỏi nhà, dù chỉ là loanh quanh dạo chơi xóm làng. Nhưng với bầu cử, bà khẳng định sẽ tự mình đi bỏ phiếu. Bà giải thích: Mình còn đi lại được, sao phải để đưa vào danh sách cử tri già yếu được đưa thùng phiếu phụ đến tận nhà cho bầu, thêm việc cho ban tổ chức. Hơn nữa, đây là quyền, trách nhiệm, là niềm vui, vì có thể đây là mùa bầu cử cuối cùng của đời bà. Còn má tôi có bệnh nặng, lịch vào TP Hồ Chí Minh theo giấy hẹn tái khám của bệnh viện là ngày 25.5. Nếu như nhiều lần trước, ba sẽ đưa má tôi vào sớm vài ngày, vừa để hồi phục sức khỏe vừa thong thả chơi với cháu, nhưng lần này thì, phải bầu cử xong ba má mới đi. Chủ động lui việc riêng vì việc chung. Nghiêm túc chấp hành quy định không được nhờ người khác bầu thay cũng như không để người khác phải khó xử khi nhận bỏ phiếu giùm.
Vài phác họa về không khí trước thềm bầu cử ở gia đình, thôn xóm mình, rồi nhìn rộng ra trong cả nước. Lướt mạng, bỗng bắt gặp bức ảnh là sân lúa đang được phơi giữa cái nắng xanh giòn, nổi bật lên dòng chữ: “ngày 23 - 5 - 2021 tôi đi bầu cử”! Có thể một nông dân trong lúc đảo, trở lúa đã vui tính, khéo léo tạo thông điệp nhắc nhở đầy ý nghĩa về sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng này. Để tự nhắc mình cùng bà con láng giềng không quên thực hiện quyền, nghĩa vụ của cử tri, đồng thời qua đó cũng thấy được sự quan tâm, tình cảm của người dân nông thôn hướng về ngày hội lớn của toàn dân.
TƯỜNG MINH