Ngư dân bám biển sản xuất
Cùng với việc phản đối lệnh cấm đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển đông, ngư dân Bình Định vẫn bám biển sản xuất, khẳng định chủ quyền quốc gia trên vùng biển của Tổ quốc.
Trung Quốc đã đơn phương đưa ra tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá phi lý ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 1.5 đến 16.9.2021, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc Biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tàu cá ngư dân Bình Định chuẩn bị vươn khơi.
Khẳng định việc Trung Quốc cấm đánh bắt cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị, ngày 7.5, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chỉ đạo việc động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc, cho biết: “Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp các ngành liên quan, Hiệp hội Thủy sản tỉnh, chính quyền các địa phương thông báo cho ngư dân biết về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc là không có giá trị, vận động ngư dân yên tâm bám biển khai thác thủy sản. Tăng cường quản lý tàu cá hoạt động trên biển qua phần mềm giám sát tàu cá; theo dõi kết nối, giữ liên lạc thường xuyên với ngư dân, sẵn sàng can thiệp bảo vệ ngư dân...”.
Cùng với việc yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu cá hoạt động trên biển, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương phải kịp thời thông báo cho ngành chức năng về các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài trong vùng biển Việt Nam; thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển đối với tàu cá và ngư dân về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư qua số điện thoại 024.62737323.
Nói về lệnh cấm không có giá trị của phía Trung Quốc, ngư dân Bùi Thanh Ninh, ở phường Tam Quan Bắc (TX Hoài Nhơn), chủ 12 tàu đánh bắt xa bờ, thẳng thắn: “Năm nào Trung Quốc cũng tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, đó là chiêu bài muôn thuở của họ. Với ngư dân chúng tôi, cái lệnh cấm ấy là bất hợp pháp, chẳng ăn nhằm gì. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Bình Định, cũng như ngư dân cả nước vẫn vững tin ra khơi để giữ biển trời của tổ tiên để lại”.
Còn ngư dân Lê Văn Cu, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ 2 tàu lưới vây ánh sáng, cho biết: “Chúng tôi vẫn ra khơi đánh bắt bình thường. Ngành chức năng cũng vận động ngư dân nên đi theo tổ, đội để sẵn sàng hỗ trợ nhau trên biển, chấp hành quy định pháp luật không vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá phi lý từ phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, cản trở ngư dân Việt Nam sản xuất trên biển; gây nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc. Trung Quốc không có quyền cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: Năm nay, lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc được đưa ra trong thời điểm Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép hải cảnh sử dụng vũ lực khi nước ngoài xâm phạm vùng biển của Trung Quốc mà chưa rõ ràng trong vùng biển tranh chấp. Trước tình hình đó, Hội đã có văn bản gửi các hội nghề cá, hội thủy sản các tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp các Sở NN&PTNT, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền ngư dân yên tâm bám biển chấp hành đúng pháp luật. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển để hỗ trợ, bảo vệ cho ngư dân.
Để không bị lực lượng chức năng các nước kiểm soát, bắt giữ, bà con ngư dân cần tuân thủ pháp luật các nước khi KTTS trên vùng biển chống lấn giữa Việt Nam và các nước hoặc khu vực giáp ranh; chú ý theo dõi tọa độ, vị trí và cảnh báo của cơ quan chức năng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động trên biển, ngư dân phải duy trì liên lạc thường xuyên với các lực lượng chấp pháp trên biển, như: Kiểm ngư, Hải quân, Cảnh sát biển và kịp thời thông báo khi có tình huống phát sinh trên biển”. Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư HÀ LÊ
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN