Cây đậu phụng ở Phù Cát: “Lên đời” từ khoa học công nghệ
Sử dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống chất lượng cao và tích cực cơ giới hóa các khâu sản xuất là những yếu tố giúp huyện Phù Cát nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây đậu phụng.
“Thủ phủ” đậu phụng
Tính riêng vụ đậu phụng Đông Xuân 2020 - 2021, toàn huyện trồng 3.664 ha, vượt 1,8% kế hoạch, tăng 65 ha so với cùng kỳ; trong đó có 2.609 ha đậu phụng thuần và 1.055 ha đậu phụng xen mì; tập trung nhiều ở các xã: Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Sơn… Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất bình quân đạt gần 42 tạ/ha, với giá ổn định ở mức 23.000 - 26.000 đồng/kg, người trồng đậu phụng lãi tới khoảng 70 triệu đồng/ha, nên rất phấn khởi.
Nông dân huyện Phù Cát thu hoạch đậu phụng.
Không phải tự nhiên mà Phù Cát được xem là “thủ phủ” cây đậu phụng của tỉnh Bình Định. Chưa hẳn là do huyện này trồng nhiều đậu phụng, dù rằng hai huyện trồng nhiều đậu phụng kế tiếp là Phù Mỹ, Tây Sơn cũng chỉ xêm xêm gần nửa so với Phù Cát lần lượt là 1.646,4 ha và hơn 1.500 ha. Cái danh “thủ phủ” phần nhiều do hiệu quả kinh tế thu đạt mức cao, nông dân thuần thục kỹ thuật canh tác và chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác tiên tiến, mạnh dạn sử dụng giống mới, chất lượng cao, tích cực cơ giới hóa các khâu sản xuất và đặc biệt là chính quyền luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Cầm, một người trồng đậu phụng ở xã Cát Trinh, khoe: “Tôi trồng 1 ha đậu phụng, năng suất đạt từ 45 - 50 tạ, lãi hơn 60 triệu đồng, tăng gấp 6 lần so với trước đây khi loay hoay trồng lúa! Đậu phụng năm nay được mùa, cho quả to, vỏ cứng, hạt chắc nhiều, hạt lép ít có sự đóng góp rất lớn của kỹ thuật canh tác mới, giống mới. Ngoài ra, nhiều năm trở lại đây giá đậu phụng thường ổn định từ 23.000 -25.000 đồng/kg. Đậu không bán tươi có thể đem bán khô hay ép dầu để bán!”.
Khoa học công nghệ là “chìa khóa”
Lời của ông Cầm cũng là đúc kết của rất nhiều nông dân Phù Cát. Kết quả trên một phần là nhờ người dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ KHKT và sử dụng giống mới. Hiện, Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát khảo nghiệm, tuyển chọn 4 loại giống mới chủ lực là HL25, đậu phụng mỏ két, L14 và LDH09. Những giống đậu này cực kỳ phù hợp với điều kiện chân đất pha cát của huyện nên phát huy hiệu quả, năng suất cao. Ngoài giống, việc chọn phân bón và kỹ thuật bón phân cũng được huyện xây dựng theo một quy trình phù hợp. Đặc biệt, huyện áp dụng biện pháp bón vôi hạt, giúp quả chắc, đều và được ký hơn. Cây đậu phụng phù hợp với chân đất địa phương lại góp phần cải tạo đất tốt nhờ trong rễ đậu có nhiều nốt sần chứa đạm tự nhiên nên cây trồng ở vụ kế tiếp vụ đậu phụng hưởng lợi khá nhiều, nông dân tiết kiệm một phần chi phí phân bón.
Trung tâm khuyến nông tỉnh đã thực hiện các mô hình cơ giới hóa trên hầu hết các công đoạn sản xuất cây đậu phụng. Riêng máy thu hoạch đậu phụng đã được triển khai ở một số xã của Phù Cát nhưng còn một số vấn đề cần khắc phục. Trung tâm đang nỗ lực tìm kiếm thêm một số mẫu máy mới để hỗ trợ người trồng đậu phụng trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”. TS NGUYỄN THỊ TỐ TRÂN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
Mấy vụ gần đây, người trồng đậu phụng tích cực áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, giúp đảm bảo độ ẩm ổn định cho cây, lại tiết kiệm nước. Ngoài ra, các khâu sản xuất đậu cơ bản đã được cơ giới hóa vừa giúp giảm chi phí vừa tăng năng suất lao động. “Trước đây gieo trỉa đậu bằng phương pháp thủ công, mỗi sào mất 3 công làm trong 3 ngày. Phải thuê công nhổ đậu. Giờ, nhờ có công cụ cải tiến, chỉ cần đổ đậu phụng vào, đẩy chạy, công cụ sẽ tự động trỉa và lấp đất. Với máy này, 1 công có thể xử lý tới 4 - 6 sào/ngày”, ông Nguyễn Đông Hà ở xã Cát Hanh cho biết.
Một trong những yếu tố dẫn đến sự thành công của Phù Cát trong việc chuyển đổi cây đậu phụng trên đất lúa đó là có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo huyện trong việc quy hoạch vùng sản xuất đậu phụng. “Với những xã có diện tích trồng lớn, chúng tôi bao giờ cũng tổ chức tập huấn nhắc lại các kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu cho bà con trước khi vào mùa vụ” - ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết.
Huyện còn chú trọng kết nối, liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị cây đậu phụng. Tại xã Cát Tài, chính quyền xã đã thành lập mô hình HTX chuyên ngành thu mua đậu phụng để ép dầu, với nhãn hiệu dầu phụng Công Chính. Hiện nhãn hiệu đã được công nhận sản phẩm OCOP. Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đánh giá: “Mô hình thâm canh đậu phụng trên đất lúa chuyển đổi của Phù Cát được xem là hiệu quả nhất vùng duyên hải miền Trung, nhờ cải tiến quy trình xử lý đất, chăm sóc, tưới tiêu và trình độ kỹ thuật thâm canh”.
Huyện Phù Cát phấn đấu đến năm 2025 sẽ mở rộng diện tích đậu phụng lên 4.880 ha và nâng năng suất bình quân lên 42 tạ/ha. Đồng thời, đẩy mạnh việc cơ giới hóa sản xuất, nhất là khâu thu hoạch và nhân rộng mô hình liên kết chuỗi để gia tăng giá trị và hiệu quả của cây đậu phụng.
Bài, ảnh: HỒNG HÀ