Sẵn sàng ứng phó phù hợp tình hình thực tế
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, cuộc bầu cử ÐBQH khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải được tổ chức với những kịch bản chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Giám đốc Sở Nội vụ - Ủy viên Ủy ban bầu cử tỉnh Lê Minh Tuấn có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
Chú trọng cử tri đang cách ly
● Một trong những mối quan tâm lớn nhất trong quá trình tổ chức cuộc bầu cử là đảm bảo quyền bỏ phiếu của cử tri phải cách ly để phòng, chống dịch Covid-19. Xin ông cho biết việc lập danh sách cử tri đối với các trường hợp đang cách ly thực hiện như thế nào?
- Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND thì mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Do đó, để bảo đảm quyền bầu cử của công dân, cơ quan có thẩm quyền lập danh sách cử tri cần căn cứ vào các quy định, hướng dẫn để lập danh sách cử tri đối với những người thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn, bao gồm cả các cử tri đang phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Minh Tuấn (phía trước) kiểm tra danh sách cử tri ở xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), yêu cầu khẩn trương rà soát, bổ sung kịp thời. Ảnh: N.V.T
Với các cử tri cách ly tại cơ sở cách ly tập trung nằm ngoài địa bàn thì UBND cấp xã nơi lập danh sách cử tri có trách nhiệm nắm thông tin, chủ động lập danh sách gửi đến UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung để bổ sung những người này vào danh sách cử tri (trong trường hợp đến ngày bầu cử mà những người này vẫn đang thực hiện việc cách ly).
Căn cứ vào điều kiện, tình hình cụ thể của địa phương và quy mô, số lượng cử tri tại cơ sở cách ly tập trung, UBND cấp xã nơi có cơ sở cách ly tập trung xem xét, quyết định ghép danh sách cử tri ở cơ sở cách ly tập trung vào khu vực bỏ phiếu thích hợp, bảo đảm sự thuận tiện và phù hợp với năng lực của tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn.
● Để hoạt động bỏ phiếu ở các khu vực cách ly tập trung được thông suốt, vai trò của các thành viên tổ bầu cử là nhân lực tại chỗ rất quan trọng...
- Đúng vậy. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ủy ban bầu cử tỉnh đã đặt ra yêu cầu rà soát, bổ sung thành viên tổ bầu cử, bảo đảm đủ số lượng theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Trong đó, chú ý bổ sung thành viên là những người đang làm nhiệm vụ trong cơ sở cách ly tập trung, có kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật về bầu cử tham gia vào tổ bầu cử và tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho họ theo đúng quy định.
Linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế
● Để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh, hoạt động bỏ phiếu trong ngày bầu cử phải đáp ứng những yêu cầu chính nào, thưa ông?
- Ủy ban bầu cử cấp huyện, cấp xã cần tích cực phổ biến và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ Y tế và Sở Y tế về các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình bỏ phiếu bầu cử. Đồng thời, chủ động rà soát, nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh để tạo điều kiện cho tất cả công dân thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
Chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử có trách nhiệm thông tin, tuyên truyền để cử tri nắm được và tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh khi tham gia bỏ phiếu. Tại các phòng bỏ phiếu hoặc địa điểm bỏ phiếu phải tạo lối đi, hành lang thông thoáng và có hướng dẫn cụ thể cho cử tri tham gia bỏ phiếu. Bảo đảm khoảng cách khi nhận phiếu bầu cử, ghi phiếu và bỏ phiếu bầu cử vào hòm phiếu. Người tham gia phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước và sau khi bỏ phiếu, được đo thân nhiệt; thực hiện đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
● Bên cạnh đó, phương án bỏ phiếu theo tình hình thực tế cũng cần được chú trọng chuẩn bị. Xin ông thông tin cụ thể về vấn đề này?
- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh như hiện nay, kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu phải thật sự linh hoạt. Căn cứ vào quy mô, số lượng cử tri ở từng khu vực bỏ phiếu và yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương, UBND cấp xã và tổ bầu cử xây dựng kế hoạch, lịch trình bỏ phiếu để chủ động điều tiết, phân chia thời gian bỏ phiếu của cử tri ở từng xóm, khu phố, cụm dân cư, nhóm hộ gia đình. Kế hoạch, lịch trình phải được thông báo rộng rãi cho cử tri thuộc khu vực bỏ phiếu biết, bảo đảm tại cùng một thời điểm trong ngày bầu cử không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu.
Trong buổi sáng ngày bầu cử, các tổ bầu cử tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tập trung tại khu vực bỏ phiếu. Buổi chiều, thành viên tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ đến nơi cách ly cho cử tri bỏ phiếu. Hòm phiếu phụ sau khi khử khuẩn sẽ mang về phục vụ kiểm phiếu, sau đó có thể hủy bỏ; bút, thước cho cử tri gạch phiếu chỉ dùng một lần; các thành viên tổ bầu cử phục vụ công đoạn này phải thực hiện nghiêm các khâu phòng dịch theo quy định của ngành Y tế.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)