Hân hoan đón chào năm mới Giáp Ngọ
Một năm cũ đi qua, năm mới đang đến. Cùng với cả nước, Bình Định hân hoan bước vào năm Giáp Ngọ. Khắp nơi trong tỉnh người dân náo nức chào đón Giao thừa với niềm vui và tin tưởng “chú ngựa Giáp Ngọ” sẽ có nhiều thuận lợi hơn trên đường phát triển…
* Quy Nhơn- rộn ràng Dạ hội giao thừa
Không khí đón Giao thừa ở TP Quy Nhơn thật sự được khuấy động với Dạ hội giao thừa Giáp Ngọ - 2014 được tổ chức từ 21 giờ 30 tại Quảng trường đường Nguyễn Tất Thành. Đến dự Dạ hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, các đại biểu cùng đông đảo người dân và du khách.
Dạ hội chính thức bắt đầu sau hồi trống rền vang của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc. Khác với các năm trước, Dạ hội giao thừa năm nay không chia theo chương với các chủ đề riêng rẽ mà được bố cục như một chương trình tạp kỹ. Ở đó, có mùa xuân của đất nước, của quê hương Bình Định và mỗi lòng người.
Các tiết mục hát, múa: “Đảng đã cho ta mùa xuân”, “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ”… gợi lên những cảm xúc thiêng liêng, luôn hướng về Tổ quốc trong thời khắc chào đón năm mới. Xen kẽ vào đó là những tiết mục đầy ắp phong vị của đất và người Bình Định. Hai tiết mục biểu diễn võ thuật “Gái Bình Định” và “Tinh hoa võ cổ truyền Bình Định” do Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định thực hiện đã thể hiện được sự tiếp nối của truyền thống võ thuật trên miền đất Võ. Trong khi đó, hoạt cảnh tuồng “Trẩy hội mùa xuân” lại gói ghém được nhiều nét văn hóa - lịch sử đáng trân quý.
Và, còn rất nhiều những mảng màu văn hóa truyền thống đã được đánh thức trên sân khấu của Dạ hội giao thừa, như những cô hàng nón bên ánh đèn dầu leo lét trong tiết mục múa dân gian “Ngọt tình chợ nón Gò Găng”, như lễ hội cầu ngư cùng con thuyền vượt sóng vượt gió băng băng ra khơi trong bài dân ca bài chòi “Biển quê ta”…
Sau những phút giây hòa mình vào không khí rộn ràng của đất trời, lòng người như lắng lại với những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của liên khúc “Thì thầm mùa xuân”, “Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca”, múa đương đại “Vũ khúc giao mùa” và đơn ca nữ “Khúc giao mùa”. Những nốt trầm trong bản hòa âm như phút chững lại, ngoái nhìn về năm cũ, để rồi cảm nhận được bước chuyển mình nhẹ nhàng của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa.
Tham gia biểu diễn trong Dạ hội Giao thừa năm nay vẫn có những gương mặt quen thuộc của các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh. Bên cạnh đó là sự góp mặt của 3 ca sĩ người Bình Định đang hoạt động nghệ thuật ở TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đó là Minh Khai với tiết mục đơn ca “Tổ quốc gọi tên mình”; Hồ Cẩm Nghi với 2 tiết mục: đơn ca “Quê hương, tình yêu và tuổi trẻ” và song ca “Xuân yêu thương”; Phương Anh (Top 10 Vietnam Idol 2010) với 2 tiết mục: đơn ca “Khúc giao mùa” và song ca “Xuân yêu thương”. Một Minh Khai hào sảng, một Hồ Cẩm Nghi trẻ trung, một Phương Anh khỏe khoắn đã góp phần tạo nên sự tươi mới cho chương trình mang tính thường niên này.
150 phút của Dạ hội Giao thừa được khép lại bằng loạt pháo hoa rực rỡ. Chiếc đồng hồ lớn ở ngã tư Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh nhích dần về 0 giờ. Ngày mới, năm mới đã đến. Và, biết bao hy vọng mới đang chờ ta ở phía trước…
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đánh trống khai hội Dạ hội giao thừa Xuân Giáp Ngọ 2014. (Ảnh: Văn Lưu)
* Tại huyện Tuy Phước, không khí đón giao thừa khá rộn rã, mặc dù cách đây không lâu huyện hứng chịu một trận lũ lịch sử gây cho địa phương nhiều thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Được sự chung tay chia sẻ của đồng bào cả nước, các nhà hảo tâm ủng hộ tiền hàng gần 19 tỉ đồng và sự cứu trợ 390 tấn lúa giống, 600 tấn gạo đỏ lửa của Nhà nước, người dân đã đón chào một cái Tết cổ truyền nồng ấm.
Càng đến thời khắc giao thừa trời càng se lạnh, hàng đoàn người đổ ra đường đón chào năm mới. Dòng người đông nhất dẫn về các chợ hoa, trên các tuyến phố trung tâm huyện, dọc theo Quốc lộ 1A thuộc thị trấn Diêu Trì, chợ hoa Phước Sơn nằm dọc theo Tỉnh lộ 640, chợ hoa Gò Bồi (xã Phước Hòa) xếp hàng dài hai bên tỉnh lộ 636B, ai cũng hối hả chọn những chậu hoa ưng ý. Anh Nguyễn Quang Hà, ở xã Phước Thắng, bộc bạch: “Năm ngoái gần đến giao thừa chợ hoa Gò Bồi cháy hàng, người đi muộn không có hoa để mua, còn mua thì phải trả giá cao gấp 2 – 3 lần, nên năm nay tôi mua sớm, một chậu cúc đại đóa đường kính 40 cm, bông đẹp giá chưa tới 200 nghìn đồng, rất hợp túi tiền”. Các chợ hoa trong huyện chưng nhiều loại hoa để bán, trong đó hoa cúc, hoa hồng của làng hoa Bình Lâm, xã Phước Hòa đều có mặt và chiếm phần lớn, giá hoa đều nhỉnh đôi chút so với năm ngoái. Các hoạt động văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân được các địa phương trong huyện tổ chức trong đêm giao thừa tạo khí thế mới, niềm tin mới.
* Tại thị xã An Nhơn đêm Giao thừa được đánh dấu với Chương trình văn nghệ “Giai Điệu Mùa Xuân” do Trung Tâm VHTT – TT thị xã tổ chức tại công viên Quang Trung (phường Bình Định), đông đảo người dân thị xã đến xem và cổ vũ. Chợ Bình Định nằm trên đường Ngô Gia Tự và chợ đầu mối phường Đập Đá gần đến giao thừa vẫn đông nghẹt người mua sắm hàng Tết. Năm 2013, dù bị thiệt hại nặng nề do thiên tai song GDP của huyện tiếp tục tăng trưởng, sản lượng lương thực đã chạm ngưỡng trên 100 nghìn tấn. Điều đáng ghi nhận là nhờ tinh thần tự lực tự cường và sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, các cấp các ngành công việc khắc phục hậu quả lũ lụt đã được tiến hành khẩn trương, thị xã gieo xong 7.100 ha lúa Đông Xuân trong thời vụ tốt nhất.
Để nhân dân vui Tết, đón xuân nồng ấm, thị xã đã phân bổ hơn 6.000 xuất quà Tết trị giá gần 2 tỉ đồng và 570 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho hộ nghèo, hộ khó khăn đột xuất, hộ bị thiên tai lũ lụt, đối tượng bị chất độc gia cam. Ngoài 3.313 xuất quà Tết của Chủ tịch nước tặng cho các gia đình chính sách (thương binh, liệt sĩ, Mẹ VNAH, người có công cánh mạng), thị xã cũng trích ngân sách 440 triệu đồng và UBMTTQ hỗ trợ 700 triệu đồng từ quỹ vì người nghèo đã thăm tặng 2.400 xuất quà cho gia chính sách tiêu biểu, hộ nghèo… trên địa bàn thị xã.
Càng đến gần giao thừa tại trung tâm các phường, xã thị xã An Nhơn tràn ngập hương xuân, với các trò chơi múa lân, xổ cổ nhơn, hát tuồng tạo không khí đón xuân nồng ấm.
* Huyện Phù Cát, không khí “Mừng Đảng mừng Xuân”, đón Tết Giáp Ngọ 2014 tưng bừng nhộn nhịp, trên khắp các nẻo đường từ thị trấn Ngô Mây đến các làng quê xa xôi, như khoác trên mình chiếc áo mới với đủ màu sắc rực rỡ của cờ hoa từ những băng rôn, cổng chào…, đến những chậu mai, vạn thọ, cúc…
Phục vụ người dân vui Tết đón Xuân, huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực bằng khả năng của mình để đảm bảo Tết đến với mọi người, mọi nhà như thăm hỏi tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, hỗ trợ người nghèo, gia đình khó khăn... Bên cạnh đó các hoạt động vui chơi giải trí như: Hội bài chòi, biểu diễn ca nhạc Mừng Đảng mừng Xuân ở trung tâm huyện, Dâng hương các anh hùng liệt sĩ, thi đấu võ thuật, đua thuyền... cũng được chuẩn bị chu đáo.
Trong dịp đón năm mới, trao đổi với chúng tôi, Ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với phương châm “Tết đoàn kết, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn”, huyện đã tập trung chuẩn bị chu đáo cho việc phục vụ nhân dân vui đón Tết cổ truyền. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công tác chăm lo Tết cho hộ nghèo cũng như việc tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí tạo không khí phấn khởi bước vào năm mới với khí thế thi đua mới góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội huyện đưa ra trong năm 2014.
* Huyện Phù Mỹ, chuẩn bị đón chào năm mới hai bên QL 1A, đường Quang Trung đi qua (cây số 1 - TT Phù Mỹ) từ chiều 27, 28 tháng Chạp đã rực rỡ màu vàng hoa cúc như “Chúc mừng năm mới” (ảnh) đó là nét đẹp văn hóa Xuân, “Đường hoa đón Tết” mà các ông Lương, ông Lộc, ông Thành, ông Vinh… xóm Trà Thanh, thôn Trà Quang Nam hình thành, duy trì trong suốt 5 năm qua. “Tết đầu một ít hộ chưa thông nên chưa tự nguyện, giờ thì chưa đến tết đã hô hào góp tiền, như Tết này người ít thì 60 - 70.000 đồng, người nhiều ủng hộ cả trăm ngàn” ông Lộc phấn khởi cho biết.
Một đường hoa năm nào, giờ đây thị trấn Phù Mỹ đã có thêm nhiều đường hoa khác như đường hoa thôn Trà Quang, Trà Quang Bắc, đường hoa Võ Thị Sáu phía đông nam chợ Phù Mỹ…“Tui thấy thích, ủng hộ ngay , 7 - 8 chục ngàn đồng, hay một trăm gì cũng được, miễn là đường hoa đẹp”- chị Đinh Thị Hải - nhà trên đường hoa Võ Thị Sáu hồ hởi.
Đón chào năm mới Giáp ngọ ở Phù Mỹ các các chợ hoa tết trên địa bàn, nhất là chợ trung tâm huyện lỵ hoa rất nhiều do các nơi đổ về đủ loại, sắc hương nhưng sức mua và giá cả càng đến gần thời điểm giao thừa hoa càng xuống giá. 1 bó hoa huệ (10 nhánh) đẹp chỉ còn 25 - 30.000đồng, giảm hơn 50% so với ngày hôm trước; 1 chậu vạn thọ lỡ “đẹp hết hồn” sáng 30 còn 120.000đồng, giờ chỉ còn 50.000đồng/chậu. Chỉ riêng hoa cúc chậu đẹp cũng xuống giá, nhưng chỉ giảm 20 - 30% so với buổi sáng…
Tuy nhiên, người mua thì cũng vui giá nhẹ, hoa đẹp, mà tính ra người trồng hoa cũng có lời, không thua kém mọi năm.
* Tại huyện miền núi- trung du Hoài Ân, chiều 30 Tết chợ hoa Thị trấn Tăng Bạt Hổ đông đúc người mua kẻ bán. Sau khi chọn cho mình một chậu cúc vừa ý, anh Nguyễn Minh Sơn, xã Ân Tín, cười tươi: “Mấy ngày qua bận bịu quá không đi mua hoa được hóa ra lại may, hôm nay là cuối năm nên giá hoa cũng giảm xuống đáng kể…”.
Hoa ở Hoài Ân năm nay chủ yếu là cúc và vạn thọ. Cả khu đất đối diện với Đài liệt sỹ đẹp lộng lẫy trong nắng chiều với cơ man hoa là hoa. Đối diện với khu bán hoa là gian hàng thư pháp, tuy nhiên cũng khá vắng vẻ bởi người dân chưa quen với việc mua chữ về chưng Tết. Tầm 7 giờ tối, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, chợ hoa thưa thớt dần, ai nấy đều vội vàng quay về nhà để chuẩn bị cho việc cúng gia tiên và đón giao thừa.
Tạo điều kiện cho người dân Hoài Ân vui Tết Giáp Ngọ, Trung tâm VH-TT huyện phối hợp với một số cá nhân, đơn vị tổ chức khu vui xuân với nhiều trò chơi tại trước Trung tâm VH-TT huyện. Trước khi chuẩn bị cho giao thừa, Trung tâm VH-TT huyện đã tổ chức lễ khai mạc khu vui chơi để nhân dân được vui chơi trong mấy ngày Tết.
* Khác với các năm trước, năm nay đồng bào các dân tộc thiểu số huyện miền núi Vân Canh có thu nhập cao từ cây chuối, cây mì, cây mía, con bò và trồng rừng, cuộc sống của đồng bào đã khá hơn nhiều, một số hộ đạt thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài việc lo đủ cái Tết cổ truyền cho gia đình, nhiều người có tích lũy gửi ngân hàng. Theo đó nhu cầu sắm tết của người dân cũng tăng hơn mọi năm, chiều 30 Tết không khí mua sắm ở chợ huyện vẫn còn nhộn nhịp, ai cũng muốn chuẩn bị cho gia đình một cái tết chu đáo hơn năm ngoái.
Anh Đinh Văn Tài, làng Hà Lũy, xã Canh Thuận cho biết: Năm nay trong làng có nhiều hộ khá nên việc sắm sửa tết cũng chu đáo hơn, đặc biệt bà con trong làng chú trọng đến lễ cúng Đổ đầu để tạm biệt năm cũ và mong muốn năm mới khá hơn.
Nhờ kinh tế khá lên, nên hầu như nhà nào cũng sắm tết tươm tất, các gia đình trang trí thêm trong nhà cây mai, cây quất, chậu hoa cúc... Điều đó cho thấy, Tết ấm cúng đã đến trong từng căn nhà của người dân miền núi này. Gia đình anh Nguyễn Văn Chiều, người có uy tín ở làng Canh Tân, thị trấn Vân Canh, năm nay ăn tết cũng khá hơn, nhờ bán được chuối giá cao, có buồng lên tới gần 1 triệu đồng. Chiều 30 Tết gia đình anh đã nấu xong bánh tét và chuẩn bị bữa cơm đoàn tụ gia đình thật vui vẻ. Anh cho biết: 21 giờ tối nay là bà con trong làng tụ tập về nhà rông để sinh hoạt văn nghệ, cùng nhau vui chơi đón giao thừa, vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, đảm bảo an ninh trật tự ở làng.
* Xuân Giáp Ngọ 2014 ở Vĩnh Thạnh đến trong không khí rộn ràng và ấm áp, 100% số hộ nghèo được hỗ trợ đỏ lửa, hơn 6.000 phần quà tết đã đến tay các hộ nghèo và các gia đình chính sách mang đến cho nhiều hộ dân ở Vĩnh Thạnh một mùa xuân tươi vui. Trong dịp đầu xuân này, nhân dân Vĩnh Thạnh đang chuẩn bị đón chào Lễ Kỷ niệm 55 năm Ngày Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959-6.2.2014). Nhiều chương trình văn hóa văn nghệ - thể thao được tổ chức ở các xã, thị trấn tạo nên không khí vui tươi phấn khởi nhân dịp đầu xuân.
Nhìn lại năm 2013, với nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang, tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Thạnh đã có những chuyển biến tích cực, xuất hiện yếu tố bền vững hơn. Đời sống của bà con các dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa trong huyện tiếp tục được cải thiện. Công tác quốc phòng - an ninh được đảm bảo và tăng cường; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố xây dựng vững mạnh. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên. Đây chính là những niềm vui, những món quà nồng ấm, ý nghĩa của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Vĩnh Thạnh khi bước sang năm mới 2014.
Tại các làng miền núi, không khí đón năm mới rộn ràng từ chiều 30 Tết. Bà con mang rượu cần đến nhà rông để chung vui sau một năm làm lụng vất vả. Tại làng Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp), sau phút giao thừa nghe Chủ tịch nước chúc Tết tại nhà rông, Câu lạc bộ cồng chiêng của làng đã khai hội cồng chiêng mừng năm mới. Đội cồng chiêng của làng đã đến thăm và chúc tết từng gia đình, tạo nên không khí tưng bừng của ngày Tết. Tiếng chiêng, tiếng trống vang lên trong những ngôi nhà sàn, nhà văn hóa và điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển, siết chặt những bàn tay đoàn kết và quây quần bên bếp lửa hồng, lan tỏa men rượu say nồng và những món ăn dân tộc, mọi người cùng chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, cầu mong cho đất nước thanh bình, gia đình hạnh phúc.
NGUYỄN VĂN TRANG-CÔNG TÂM-HOÀI TRUNG-XUÂN THỨC-XUÂN LỘC-XUÂN DŨNG-HẠNH PHÚC