Thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối vận tải hành khách công cộng
Đề án cung cấp giải pháp kết nối phương tiện cá nhân với phương tiện vận tải công cộng để nâng cao hiệu quả; khuyến khích phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, đề án thí điểm mô hình xe điện 2 bánh kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội do Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải nghiên cứu và đề xuất.
Đề án cung cấp giải pháp kết nối phương tiện cá nhân với phương tiện vận tải công cộng để nâng cao hiệu quả; khuyến khích phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường tăng cường khả năng kết nối các tuyến xe buýt, đặc biệt là tuyến xe buýt nhanh BRT.
Cùng với đó, đề án cũng tăng cường giải pháp quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4.7.2017 của Hội đồng nhân dân TP.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang đề nghị Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải hoàn thiện đề án để báo cáo UBND TP chấp thuận làm cơ sở tổ chức triển khai các bước tiếp theo.
Nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, dự kiến từ quý II/2021, TP Hà Nội sẽ đưa vào vận hành 10 tuyến buýt mở mới sử dụng xe buýt điện gồm: Tuyến Long Biên-Trần Phú-Khu đô thị Smart City; Khu đô thị Smart City-Công viên nước Hồ Tây; Bến xe Giáp Bát-Khu đô thị Smart City; Long Biên-Cầu Giấy-Khu đô thị Smart City; Hào Nam-Khu đô thị Ocean Park; Bến xe Mỹ Đình-Khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi)-Khu đô thị Ocean Park; Khu liên cơ Hà Nội-Khu đô thị Times City; Khu đô thị Smart City-Vincom Long Biên; Khu đô thị Ocean Park-Sân bay Nội Bài.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội nghiên cứu, khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân theo vùng phục vụ các tuyến xe buýt chạy bằng điện và về độ trùng lặp với các tuyến buýt khác.
Theo Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)