Hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy thư viện phát triển
Hoạt động thư viện sau 20 năm thực hiện theo Pháp lệnh Thư viện bộc lộ nhiều bất cập, do vậy, Luật Thư viện ra đời (có hiệu lực từ ngày 1.7.2020) được xem là dấu mốc, kiện toàn về pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động thư viện và văn hóa đọc, góp phần nâng cao quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh về những điểm mới của Luật, tác động đến hoạt động thư viện trong tỉnh.
Ông Võ Văn Nhiếng
Ông có thể cho biết về những điểm mới nổi bật của Luật Thư viện?
- Luật quy định rất nhiều điểm mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước và xu hướng chung.
Cụ thể như với 3 điểm mới: Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; hợp tác quốc tế về thư viện, qua đó định hướng phát triển thư viện theo mô hình hiện đại hóa, thúc đẩy hoạt động liên kết, hợp tác để sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên thông tin, tiện ích, kết quả xử lý cũng như các sản phẩm, dịch vụ thư viện. Xã hội hiện đại ngày nay, trước sự bùng nổ thông tin và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thư viện dù lớn cũng không đủ nguồn lực thông tin để đáp ứng, do vậy những điểm mới phù hợp trên đã mở ra cơ chế để thư viện đổi mới, phát triển.
2 điểm mới khác rất quan trọng của Luật là bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập và mở rộng đối tượng được thành lập thư viện. Theo Pháp lệnh Thư viện năm 2000, thư viện bao gồm 2 loại hình: Công cộng và chuyên ngành/ đa ngành và chỉ có tổ chức của Việt Nam mới có quyền thành lập. Luật Thư viện đã quy định mở rộng, xã hội hóa hoạt động thư viện, theo đó mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài, cộng đồng dân cư đều có quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng các điều kiện; hoạt động theo mô hình DN, tổ chức sự nghiệp và mô hình khác. Đây là những điểm mới mang tính căn bản, đột phá, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc ban hành, triển khai chính sách khuyến khích, phát huy mọi nguồn lực trong xã hội cho thiết chế văn hóa này, là cơ sở quan trọng để củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống, hoạt động thư viện trong cả nước.
Điểm mới thứ 6 là định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động thư viện. Quy định hoàn toàn mới này, áp dụng thực hiện đối với tất cả thư viện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, qua đó có tác dụng nâng cao chất lượng hoạt động.
Sau khi có hiệu lực, việc phổ biến Luật Thư viện, các văn bản hướng dẫn thi hành đến hệ thống thư viện trong tỉnh và bạn đọc được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thư viện tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh về triển khai Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thư viện.
Trong đó, năm 2020, đơn vị đã tổ chức 2 lớp tập huấn về Luật cho 80 học viên, gồm phụ trách thư viện cấp huyện, phụ trách thư viện trường THPT (thuộc chương trình phối hợp) trong tỉnh và một số tỉnh bạn đăng ký tham dự. Năm nay, chúng tôi đang đợi tình hình dịch ổn định để triển khai ngay kế hoạch tổ chức 2 lớp tiếp theo cho phụ trách thư viện trường học và thư viện cấp cơ sở.
Đối với bạn đọc tại Thư viện tỉnh, chúng tôi tích cực phổ biến trực tiếp thông qua hệ thống trưng bày trực quan, qua OPAC trực tuyến, linh hoạt, lồng ghép trong quá trình bạn đọc sử dụng thư viện… Điểm thuận lợi là Luật đã được xuất bản thành sách (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, phát hành tháng 2.2020), ngoài phục vụ sách Luật tại đơn vị, chúng tôi đã tặng cho hệ thống thư viện công cộng của tỉnh để cơ sở dễ dàng tiếp cận và từ đó tiếp tục phổ biến.
Lần đầu tiên ra đời, qua gần 1 năm áp dụng thực hiện,Luật Thư viện đã có chuyển biến như thế nào đến hoạt động thư viện trong tỉnh và văn hóa đọc; để Luật phát huy hiệu quả,ông có đề xuất gì?
- Thẳng thắn nhìn nhận, tác động của Luật đến kết quả hoạt động thư viện chưa thật rõ nét. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đã có những tín hiệu tích cực về mặt nhận thức trong xã hội.
Đáng chú ý như Ngày sách Việt Nam 21.4, từ năm 2021 đi vào Luật, trở thành Ngày Sách và Văn hóa đọc, nhằm phát triển một xã hội có thói quen đọc sách, khuyến khích văn hóa đọc. Ngoài sự kiện do Thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện tổ chức, còn có nhiều thư viện cơ sở, thư viện của cơ quan, đơn vị hưởng ứng, đặc biệt là gần như tất cả thư viện trường học, tạo thành ngày hội văn hóa ý nghĩa, rộng khắp trong tỉnh. Đây chính là một hiệu ứng tích cực từ Luật, tin rằng sẽ tiếp tục phát huy khi điều kiện thuận lợi.
Theo Luật, chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện (tại điểm a, khoản 1, Điều 5) thể hiện sự đầu tư có trọng điểm. Bên cạnh thuận lợi từ quy định thư viện cấp tỉnh được xếp vào nhóm ưu tiên đầu tư của Nhà nước, chúng tôi rất trăn trở cho hệ thống bên dưới, vốn tồn tại khó khăn nhiều năm qua. Đề nghị các cấp lãnh đạo quan tâm, đầu tư cho mạng lưới thư viện cấp huyện và cơ sở. Cụ thể, đối với cấp huyện, cần nguồn nhân lực và kinh phí bổ sung vốn tài liệu hằng năm; đối với cơ sở, cần có quy định về chế độ lương hoặc phụ cấp cho đối tượng làm công tác thư viện.
Xin cảm ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)