Tăng cường bảo vệ trẻ em trước những nội dung độc hại trên mạng
Ngày 17.5, Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị cơ quan chức năng gỡ bỏ kênh TIMYY TV có nội dung độc hại trên YouTube và Facebook để bảo vệ trẻ em. Sự việc này một lần nữa báo động mỗi phụ huynh và toàn xã hội về sự cần thiết phải tăng cường giám sát để bảo vệ con em trước những nội dung tiêu cực vốn tràn lan, ngày càng tinh vi trên môi trường mạng.
Chắc hẳn nhiều người chưa quên một sự việc tương tự, nghiêm trọng hơn xảy ra chưa đầy 2 tháng trước. Đó là việc kênh Youtube Thơ Nguyễn bị xử phạt vì cổ súy mê tín dị đoan sau khi đăng tải video đầu độc trẻ em, bày xin vía từ một búp bê ma để… học giỏi.
Không chỉ video đó “rác”và bị “tuýt còi”, mục đích thành lập kênh và sản xuất các sản phẩm giải trí dành cho trẻ em của người này rất có vấn đề, bởi đa số vô bổ, nhảm nhí, trà trộn những nội dung phản giáo dục, phản thẩm mỹ. Thêm nữa, mâu thuẫn với thái độ tỏ ra ăn năn khi làm việc với cơ quan chức năng và tuyên bố “giải nghệ”, YouTuber này không lâu sau đó hoạt động trở lại với tên khác là Thơ Ngáo Ngơ, cũng thường xuyên cho ra những video nội dung vẫn không mấy tốt đẹp... Không chỉ 2 kênh bị đề nghị gỡ bỏ, xử phạt này mà nguy hại hơn là hiện còn rất nhiều kênh hoạt động công khai có nội dung thiếu lành mạnh, có nội dung và cách thể hiện mang tính chất độc, nhảm như Hưng Troll, Lâm Vlog, Troom Troom Vietnam, NTN Vlogs…
Tăng cường bảo vệ trẻ em trên không gian mạng luôn là chủ đề được học sinh trong tỉnh đề nghị tại các diễn đàn trẻ em. - Trong ảnh: Thảo luận tại Diễn đàn trẻ em tỉnh năm 2019.
Ngay cả một số trang rất nổi tiếng, nội dung vẫn không được chắt lọc. Như trang mẹ và anh em Vlad, Nikita có một số clip tạo cảm giác về người mẹ như một cô hề, ham chơi, thích ăn vặt. Hay trang Stacy và bố, nhiều clip xây dựng hình ảnh người cha chiều con thái quá đến lãng phí và đứa trẻ nũng nịu đến ích kỷ, liên tục vòi vĩnh… Điều đáng nói, đây là 2 kênh thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới, thu hút trẻ em toàn cầu theo dõi.
Không dừng lại ở ảnh hưởng xấu đến nhận thức, hậu quả đau lòng nhất của những video độc hại đến trẻ đã xảy ra. Bé gái ở TP Hồ Chí Minh và bé trai ở Đồng Nai đã thiệt mạng vì học, làm theo trò thử thách “thắt cổ nhưng vẫn thở được” trên Youtube!
Hiện nay, tình trạng trẻ sử dụng ipad, điện thoại thông minh quá phổ biến, nguy cơ gặp phải, sa đà vào các video độc hại là rất lớn. Do vậy, mỗi phụ huynh cần nêu cao tinh thần cảnh giác, làm tốt vai trò là “lá chắn” cho con. Các bậc cha mẹ trong “thời đại smartphone” cần trang bị kiến thức, kỹ năng về sử dụng công nghệ, dùng các phần mềm, công cụ lọc, chặn nội dung xấu để chủ động bảo vệ con em. Lâu dài và triệt để, rất mong các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng sớm có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, tránh tình trạng phát hiện, xử lý bị động, đi sau.
Bài, ảnh: TƯỜNG MINH