Tây Sơn: Chủ động ứng phó với hạn hán
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước tưới thiếu hụt nghiêm trọng, vụ sản xuất Hè Thu (HT) này, huyện Tây Sơn chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp chống hạn, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Vụ HT năm nay, huyện Tây Sơn có kế hoạch sản xuất 4.100 ha lúa, nhưng hiện nay lượng nước tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng 12,67% tổng dung tích thiết kế, chỉ đảm bảo nước tưới cho 2.919 ha. Theo ngành Nông nghiệp huyện Tây Sơn, sẽ có trên 1.000 ha đất sản xuất lúa tại các xã Bình Tân, Bình Thuận, Bình Thành, Tây An… bị thiếu hụt nguồn nước tưới. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại cây trồng; giá xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tiếp tục tăng, dẫn đến chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển sản xuất của nông dân.
Trước tình hình đó, UBND huyện Tây Sơn đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tập trung chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, cơ cấu giống và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với hạn hán và phòng chống sâu bệnh bảo vệ cây trồng. Vụ Hè, huyện chỉ đạo sử dụng các giống lúa chủ lực trung và ngắn ngày, như: ĐV 108, ĐV8, TBR. Vụ Thu sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai dài ngày có tiềm năng năng suất cao, như: ĐV108, ĐB6, VĐ8, SH2, Nhị ưu 838, BTE1, BIO 404, TH3-3, SYN6… nhằm đảm bảo sản lượng lương thực. Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống mà bố trí gieo sạ vụ Thu từ ngày 1-10.5.
UBND huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và tập trung gieo sạ từng vùng, từng cánh đồng. Chỉ đạo nông dân bón phân cân đối và phun thuốc BVTV theo quy tắc 4 đúng để lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại. Bên cạnh sản xuất lúa, các địa phương mở rộng diện tích cây trồng cạn, đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật đầu tư, chăm sóc phù hợp cho từng loại cây trồng. Vụ này, huyện Tây Sơn phấn đấu chuyển trên 1.000 ha đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang trồng đậu phụng, bắp, đậu nành...
Ông Tạ Xuân Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: “UBND huyện đã thông báo cho chính quyền và nông dân các địa phương biết lịch thời vụ, nguồn giống, cơ cấu giống, chính sách hỗ trợ giống lúa của tỉnh… để chủ động bố trí cây trồng, mùa vụ phù hợp. Chúng tôi đã giao Phòng NN-PTNT, Trạm BVTV chủ động nguồn giống, thuốc BVTV để cung ứng đầy đủ và kịp thời cho nông dân. Huyện cũng đã thành lập và phân công các thành viên trong Hội đồng phân phối nước tưới của huyện đứng chân địa bàn để phối hợp chỉ đạo sản xuất, triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với hạn hán. UBND huyện cũng đã chuẩn bị kinh phí phục vụ công tác ứng phó với nắng hạn”.
Hiện nay, các đơn vị chức năng của huyện đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ sản xuất. Nông dân trong huyện đang sản xuất vụ HT. Trạm BVTV đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra tình hình sâu bệnh; dự tính, dự báo sâu bệnh gây hại và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ cụ thể, hợp lý. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi V cũng đã và đang tu bổ các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng; phối hợp với các địa phương kiểm tra đánh giá tình hình nguồn nước, xây dựng lịch phân phối nước cụ thể cho từng công trình do Xí nghiệp quản lý, thông báo cho các địa phương biết để phối hợp chỉ đạo sản xuất.
PHẠM TIẾN SỸ