“Đỏ lửa” bếp ăn tình thương
Vào tầm 4 giờ sáng mỗi ngày, tình nguyện viên của bếp ăn tình thương tại các cơ sở y tế trong tỉnh xuất hiện trên các nẻo đường hướng về bệnh viện, TTYT với dáng vẻ tất tả cùng lỉnh kỉnh thịt, cá, rau, củ móc đầy trên những chiếc xe máy. Họ bảo, dịch dã không ngăn được họ đỏ lửa bếp ăn tình thương, thậm chí, họ còn nấu nhiều hơn trước nữa.
Người nấu có tâm
Gần 4 giờ sáng 18.5, bà Nguyễn Thị Liên, 53 tuổi, ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) - Bếp trưởng Bếp ăn tình thương TTYT huyện Phù Cát trở mình, thức giấc. Trên đường vào Bếp, bà không quên ghé ngôi nhà số 10 đường Quang Trung (thị trấn Ngô Mây) rủ bà Tô Thị Thu Nguyệt, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tương chao đậu hũ 3 đi cùng. Vừa bước vào trong Bếp, hai bà lo nấu hai nồi cháo to. Cháo sáng hôm ấy có thịt nạc băm nhuyễn, tim heo, trứng cút, món tráng miệng là chuối và sữa tươi tổ yến Vinamilk. TTYT huyện báo 150 bệnh nhân nhưng Bếp luôn nấu 200 suất cho cả người nhà bệnh nhân ở xa.
Đỏ lửa cùng lúc với Bếp ăn tình thương của TTYT huyện Phù Cát còn có nhiều bếp khác trong tỉnh. Gần một tuần qua, Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh không tắt lửa ngày nào, mỗi ngày phục vụ 700 - 800 suất cơm đầy đủ dưỡng chất cho người bệnh trong mùa dịch. Trong đó, nhóm nấu của bà Nguyễn Thị Minh (đường Lương Định Của, phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) phục vụ liên tiếp 1.470 suất cơm trong hai ngày 19 - 20.5. Từng bán hàng cơm nên bà Minh nấu ăn rất ngon và hiểu tâm lý bệnh nhân. Bà bảo, người có bệnh trong mình thường không muốn ăn nhưng cơ thể lại cần nhiều chất dinh dưỡng để họ còn uống thuốc, chích thuốc. “Vậy nên tôi hay nấu những món canh ăn vào mát người như canh chua, canh bí đao. Họ mang đau đớn, không muốn ăn thì thức ăn phải trông ngon mắt, ăn vào thấy đậm đà...”, bà Minh chia sẻ.
Người bệnh hài lòng
Theo ông Phan Minh Tùng, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, phụ trách các Bếp ăn tình thương trực thuộc Hội, trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành mà các bếp ăn vẫn liên tục đỏ lửa là nhờ “tinh thần hết lòng với bệnh nhân khó khăn” của các tình nguyện viên bếp ăn. “Kinh phí là một trong những bài toán khó trong mùa dịch nhưng tình nguyện viên vẫn gỡ bằng hiệu quả việc mình làm để thuyết phục nhà hảo tâm, thậm chí có bếp còn nấu thường xuyên hơn thời gian không có dịch nữa”, ông Tùng trao đổi.
Dạo quanh một số bếp ăn tình thương trong tỉnh để tìm hiểu điều gì đã thôi thúc các tình nguyện viên đặt nhiều tâm huyết vào bếp đến vậy. Tại TTYT huyện Hoài Ân, cụ bà Dương Thị Thể, 87 tuổi, ở xã Ân Nghĩa móm mém cười khi nghe bếp ăn nấu thêm bữa trong tháng 5 này. “Tôi già rồi, ốm đau mệt mề, trời lại nắng nóng, ăn uống không bao nhiêu. Cơm tình thương miễn phí mà lại chất lượng, vừa miệng nên tôi trông đến ngày các cô nấu lắm”, bà Thể bảo vậy. Ở TTYT huyện Phù Cát, ông Võ Thanh Phong (63 tuổi) đang đút cháo tình thương cho cô con gái Võ Thị Kim Yến (35 tuổi) bị thiếu canxi, suy tuyến giáp. Há miệng ùm muỗng cháo từ tay người cha thương yêu con gái vô bờ bến, chị Yến gật đầu lia lịa khen cháo ngon. Xác định con gái còn phải điều trị lâu dài, chi phí tốn kém, ông Phong bảo, những buổi cháo sáng từ thiện khiến ông cảm thấy rất ấm áp và thêm động lực trong hành trình chữa trị cho con.
Chiều hôm qua, tình cờ gặp bà Trần Thị Tuyết, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, Phụ trách Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh, bà báo tin vui, bếp vừa nhận gần 2 tấn gạo, cách đây 4 ngày cũng đã nhận được 1 tấn gạo, rồi nhà hảo tâm cho muối, nước rửa chén, gởi thêm tiền quỹ bếp… “Tình người trải rộng thênh thang trong mùa dịch như vậy nên lửa bếp ăn tình thương cứ bập bùng mãi không thôi”, bà Tuyết tâm tình.
Bài, ảnh: NGỌC TÚ