Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ
Chí sĩ Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906), tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, là một người Việt Nam nổi tiếng yêu nước hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Đền thờ chí sĩ Tăng Bạt Hổ, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân là một điểm đến thu hút nhiều du khách từ mọi miền đất nước đến chiêm bái, tưởng nhớ một người Việt có lòng yêu nước mãnh liệt. Được xây dựng vào năm 2001 đền thờ là công trình nhằm ghi nhận công lao của chí sĩ Tăng Bạt Hổ với dân tộc và quê hương Việt Nam. Năm 2013, đền thờ được nâng cấp, sửa chữa và được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hằng năm vào dịp lễ, Tết và Ngày giải phóng huyện Hoài Ân (19.4) và đặc biệt là ngày giỗ ông - 27 tháng Chạp (âm lịch), nhân dân và lãnh đạo chính quyền địa phương tổ chức dâng hương tưởng nhớ ông rất trang trọng. Đây cũng là những dịp có đông du khách đến chiêm bái ông.
Đền thờ Tăng Bạt Hổ có khuôn viên đẹp, cây xanh rợp bóng mát, hòn non bộ, muôn hoa rập rờn đua nở… Cạnh nhà thờ chính, ở phòng trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến cuộc đời của chí sĩ Tăng Bạt Hổ.
Năm 1872, khi mới 14 tuổi, Tăng Bạt Hổ đã tham gia chiến đấu chống Pháp trong hàng ngũ tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc. Sau vụ binh biến đêm 22 tháng 5 năm Ất Dậu (1885) ở kinh thành Huế của phe chủ chiến do Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cầm đầu thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn, xuất chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu cùng nhân dân đứng lên kháng chiến chống Pháp. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Tăng Bạt Hổ cùng với Phạm Toàn chiêu mộ binh lính, rèn đúc vũ khí xây dựng chiến khu chống Pháp tại vùng núi Kim Sơn, huyện Hoài Ân, quê hương ông, là một vùng rừng núi có địa thế hiểm trở... Ông là một trong những người đầu tiên khởi xướng phong trao Đông Du, năm 1906 trên đường từ Nam ra Huế ông lâm bệnh nặng rồi mất trên một chiếc thuyền trên sông Hương. Mộ phần của ông hiện nằm ở Bến Ngự (TP Huế), ngay trong khuôn viên vườn nhà và mộ phần chí sĩ Phan Bội Châu...
Bài, ảnh: HUỲNH THÀNH