Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá
Do ảnh hưởng dịch Covi-19, từ đầu tháng 5 đến nay, các mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm ở các chợ trong toàn tỉnh đều tăng giá. Thực hiện các cam kết của mình, một mặt các siêu thị giữ nguyên mức giá, mặt khác còn kích cầu bằng các chương trình khuyến mãi.
Khảo sát của chúng tôi tại các chợ trong toàn tỉnh cho biết, hàng loạt mặt hàng tăng giá khiến người tiêu dùng lo lắng, tìm cách hạn chế chi tiêu. Chị Nguyễn Lê Hoàng Yến, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn cho biết: “Tháng trước, tôi mua chai dầu ăn chỉ 26.500 đồng/lít, cũng chai đó nay hỏi ra thì biết đã tăng lên hơn 30.000 đồng; đường cát có giá 15.000 đồng/kg, giờ cũng tăng lên 17.000 đồng/kg. Do giá gạo tăng nên mặt hàng như bún tươi, phở khô tăng lên 2.000 - 3.000 đồng/kg. Mì gói, sữa chua, sữa tươi… cũng điều chỉnh mức 1.000 - 2.000 đồng/lốc”.
Nhiều siêu thị đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá nhằm tham gia bình ổn thị trường.
Hiện nay, giá thịt gia cầm như thịt gà, thịt vịt tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg cụ thể: Thịt gà công nghiệp 80.000 - 90.000 đồng/kg; thịt gà ta 120 - 140 nghìn đồng/kg; thịt vịt 90.000 đồng/kg… Theo các thương lái, giá gia cầm tăng vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Giá thuốc thú y cũng tăng nên giá thịt gia cầm tăng là điều hiển nhiên. Giá thịt heo nhích nhẹ vài nghìn đồng mỗi cân tùy loại như thịt nạc 150 nghìn đồng/kg, xương, sườn non, cốt lếch… 130 - 150 nghìn đồng/kg.
Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá đồng loạt trong gần 1 tháng qua, mức tăng phổ biến từ 5 - 15%, cá biệt có nhóm hàng tăng 40%. Việc tăng giá liên tục của các nhóm hàng hóa này khiến người tiêu dùng lo lắng. Bà Nguyễn Thị Bích, chủ tiệm tạp hóa trên đường Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn cho biết: Từ tháng 1 đến nay, dầu ăn thực vật là nhóm hàng có giá biến động nhiều nhất, tôi nhập sỉ mà trung bình mỗi tháng cũng tăng tới 7 - 9%. Không chỉ có dầu ăn, giá các loại bột làm bánh, bột ngọt, muối, đường… cũng tăng.
Theo đại diện một số siêu thị MM Mega Market, Big C, Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn… nhiều nhà cung cấp trong nước cũng như cung cấp hàng nhập khẩu đều đề nghị tăng giá. Trong đó tập trung vào nhóm dầu ăn, sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, thực hiện cam kết tham gia bình ổn giá trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong tháng 5, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn giữ nguyên giá.
Bà Phan Thị Bích Nhung, Giám đốc siêu thị Big C Quy Nhơn cho biết: “Hiện nay, các mặt hàng lương thực thực phẩm, hóa mỹ phẩm, gia dụng… bán tại siêu thị với giá ổn định. Siêu thị đang áp dụng hàng loạt chương trình khuyến mãi siêu tiết kiệm với combo sản phẩm giảm giá 10%; hóa đơn từ 400 nghìn đồng trở lên được mua 4 sản phẩm khác loại. Chúng tôi đang áp dụng khuyến mãi lớn cho các đơn hàng đặt hàng qua ứng dụng ZaloPay”.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ marketing siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, siêu thị kêu gọi các nhà sản xuất, nhà cung cấp cùng cắt giảm lợi nhuận để giảm giá hàng hóa, nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu của người tiêu dùng. Trong tháng 5, hơn 10.000 sản phẩm nhu yếu gồm một số loại sữa, dầu ăn, đường, mì ăn liền... sẽ luân phiên giảm giá từ 20 - 50%; các sản phẩm thịt gà như gà thả vườn nguyên con, phi lê ức gà, đùi tỏi, má đùi gà… giảm giá trung bình 15%”.
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương cho biết: “Căn cứ Chỉ thị 07 Bộ Công Thương, Sở thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, Sở khuyến khích các siêu thị có mạng lưới rộng và kinh nghiệm phân phối hàng bình ổn áp dụng công cụ điều tiết để giữ và giảm giá. Điều này sẽ góp phần chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng trong bối cảnh giá cả thị trường có dấu hiệu tăng”.
Bài, ảnh: HẢI YẾN