Khoanh nợ, xóa nợ theo nghị quyết 94/2019/QH14: Phấn đấu hoàn thành trong năm 2021
Từ nay đến hết năm 2021, Cục Thuế tỉnh phấn đấu hoàn thành việc khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Qua đó, tính toán lại số nợ thực, góp phần giúp ngành Thuế xây dựng dự toán thu phù hợp cho năm 2022, mở đầu chu kỳ ổn định ngân sách mới.
Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) triển khai trong khung thời gian 3 năm, tính từ ngày 1.7.2020 đến hết ngày 30.6.2023. Ngay khi Nghị quyết 94 có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 69/2020/TT-BTC (Thông tư 69) để ngành Thuế có cơ sở cụ thể thực hiện lộ trình khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế. Trên cơ sở đó, Cục Thuế tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, quyết tâm hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2021.
Ngành Thuế tỉnh hướng dẫn cho người nộp thuế các thông tin, chính sách mới, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết 94 (ảnh chụp thời điểm trước tháng 4.2021).
Qua rà soát đối tượng thuộc diện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, trên địa bàn toàn tỉnh có 8.631 người nộp thuế với số nợ thuế là 715 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 456,5 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 258,5 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4.2021, Cục Thuế tỉnh hoàn thành việc rà soát căn cứ pháp lý, trình tự, thủ tục, hồ sơ theo Thông tư 69 để thực hiện khoanh nợ cho 4.818 đối tượng, số nợ gốc được khoanh là 305,2 tỷ đồng; trình UBND tỉnh xóa nợ cho 4.162/4.818 đối tượng, với số tiền đề nghị xóa nợ hơn 128,4 tỷ đồng, đạt 61% so với tổng số đối tượng. Từ nay đến cuối năm 2021, Cục Thuế tỉnh thực hiện giải quyết việc rà soát, khoanh nợ, xóa nợ cho các đối tượng còn lại, với tổng số tiền nợ thuế là 281,3 tỷ đồng; trong đó nợ gốc là 150,3 tỷ đồng...
Theo ông Mai Xuân Lương, Phó trưởng Phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh), ngoài việc rà soát căn cứ pháp lý, hoàn thiện hồ sơ đảm bảo trình tự, thủ tục khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94, UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh thực hiện phối hợp liên ngành trong việc rà soát, lập hồ sơ. Theo đó, Cục Thuế tỉnh phối hợp với Sở KH&ĐT, CA tỉnh trong việc thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động; rà soát hồ sơ người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách; xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đăng ký với cơ quan quản lý thuế… Việc rà soát này nhằm đảm bảo công tác khoanh nợ, xóa nợ đúng đối tượng, tránh các nguy cơ trục lợi gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Theo phân tích của các cán bộ chuyên môn, nhóm nợ không còn khả năng thu nhưng vẫn được tính thêm khoản chậm nộp, tăng số “nợ ảo” lên so với thực tế, làm ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách của địa phương. Nghị quyết 94 là cơ hội vàng để ngành Thuế giải quyết được những khoản nợ thuế bị “treo” lâu nay. Hầu hết các khoản nợ không có khả năng nộp đều là các khoản nợ tồn tại rất lâu trong hệ thống theo dõi của ngành Thuế, có trường hợp nợ thuế phát sinh từ những năm 1990 trở về trước. Nhóm này không còn đầy đủ thông tin, hồ sơ lưu trữ, người nộp thuế đã mất, DN, cơ sở giải thể… Do đó, ngành Thuế tỉnh quyết liệt triển khai việc khoanh nợ, xóa nợ với nhóm đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: “Ngành Thuế tỉnh đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành công tác khoanh nợ, xóa nợ trước khung thời gian quy định. Việc hoàn thành công tác khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết 94 trong năm 2021 giúp giảm tối đa khoản nợ khó thu theo Nghị quyết 94. Từ đó, cơ quan thuế đánh giá đúng khoản thu ngân sách đối với nguồn thu từ nợ thuế, góp phần xây dựng toán thu năm 2022 - năm đầu tiên của chu kỳ ổn định ngân sách mới chính xác hơn. Qua đó, phản ánh đúng tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, giúp UBND tỉnh, HĐND tỉnh cân đối dự toán thu sát với thực tế hơn; đồng thời dự toán thu năm này là cơ sở để Bộ Tài chính tính toán chính xác số bổ sung cân đối ngân sách cho tỉnh thực hiện nhiều mục tiêu trọng tâm, phát triển trong giai đoạn 5 năm tới”.
Bài, ảnh: THU DỊU