Ứng phó khô hạn, Phù Mỹ tăng diện tích cây trồng cạn
Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, sau kiểm tra, tính toán lại nguồn nước tưới và dự lường nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới vụ Hè Thu, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo hướng giảm diện tích lúa, từ 4.770 ha xuống còn 4.200 ha; tăng diện tích cây trồng cạn từ 1.800 ha lên trên 4.000 ha. Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm tư vấn hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày, như: Khang Dân đột biến, ĐV 108, Q5, TBR1...; áp dụng biện pháp thâm canh để cây trồng phát huy tiềm năng về năng suất. Các giống đậu phụng L14, TB21, HL25 và các giống bắp PAC339, PAC999, PAC 789 đã khẳng định được năng suất và hiệu quả kinh tế tiếp tục lựa chọn đưa vào sản xuất vụ Hè Thu.
Nông dân xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ chuyển đổi diện tích lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn.
Nông dân huyện Phù Mỹ có nhiều kinh nghiệm thích ứng nhanh với điều kiện khô hạn do thiếu nước tưới, nên đã thực hiện tốt kế hoạch sản xuất của địa phương, nhiều diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới đã được chuyển sang cây trồng cạn.
Tại cánh đồng thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, bên ruộng bắp của gia đình, ông Trần Văn Thắng, cho hay: Trước đây, vùng đất này đều được bà con chúng tôi sử dụng trồng lúa nhưng do không đảm bảo được nước tưới nên năng suất thấp. Có vụ gặp nắng hạn, lúa chưa đến kỳ trổ bông đã bị khô héo, phải cắt về cho bò ăn. Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ diện tích đất lúa không chủ động được nước tưới đã được chuyển sang sản xuất cây trồng cạn. Riêng gia đình tôi đã chuyển hết 8 sào đất lúa sang trồng 4 sào bắp, 3 sào đậu phụng, 1 sào khổ qua và đóng giếng lấy nước ngầm tưới cây. Sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, lại chủ động hoàn toàn việc chăm sóc, điều tiết nước tưới, nên hiệu quả cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa.
Ông Thắng chỉ là một ví dụ điển hình về sự thay đổi tích cực của người dân, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng và chính quyền địa phương thêm linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo sản xuất. Ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: UBND huyện yêu cầu ngành chức năng kiểm tra, giám sát diện tích sản xuất tại các địa phương, không để nông dân tự ý “xé rào” quy hoạch sản xuất nhằm tránh rủi ro. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định xây dựng lịch tưới, phương pháp tưới tiết kiệm. UBND các xã, thị trấn củng cố tổ, đội thủy nông, hạn chế thất thoát nước. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, tích cực thâm canh, quản lý dịch hại, để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ