Cẩn thận với bệnh tiêu chảy ở trẻ trong mùa nắng nóng
Mùa nắng nóng, thức ăn dễ bị hư hỏng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn phát triển gây bệnh đường ruột, thường gặp nhiều nhất là tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ nhỏ do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, do thay đổi khẩu phần ăn, ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn, thức ăn lạ khiến trẻ không tiêu hóa được. Những trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đang ở trong tình trạng suy giảm miễn dịch tạm thời (sau khi bị sởi) cũng có nguy cơ mắc tiêu chảy cao. Tập quán ăn uống, chăm sóc của người lớn cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nhất là cho trẻ bú bình không được rửa sạch, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy phát triển. Cho bé ăn dặm sớm khi chưa qua 4 tháng tuổi khiến không tiêu hóa được cũng dẫn đến tiêu chảy. Nhiều trường hợp trẻ còn bị tiêu chảy do dùng kháng sinh không hợp lý.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: “Bệnh khởi phát với sốt, nôn mửa nhiều sau đó là tiêu chảy gây mất nước, cần phải bù nước kịp thời bằng dung dịch oresol, nhiều trường hợp nặng phải bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với biểu hiện cơ thể suy kiệt, mắt trũng, nôn mửa. Có trường hợp bị mất nước và chất điện giải, không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong”.
Để phòng bệnh cho trẻ, phải thực hiện ăn chín, uống chín, vệ sinh tay trước khi ăn. Không cho trẻ ăn quà vặt, hàng rong, không ăn rau sống, thức ăn ôi thiu, không uống nước lã. Che đậy đồ ăn và diệt ruồi nhặng. Không nên tự cho trẻ uống thuốc cầm đi ngoài ngay, điều này rất nguy hiểm vì nó làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn do các vi rút, vi khuẩn được thải hồi chậm.
Không tự ý cho trẻ dùng thuốc vì có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy, bệnh thường khỏi sau vài ngày điều trị, chủ yếu bù nước và điện giải mà không cần phải sử dụng thuốc. Một số trường hợp phải sử dụng kháng sinh nhưng phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa. Các bà mẹ thường quan niệm sai lầm, trẻ bị tiêu chảy phải kiêng ăn thịt, cá, chất tanh, đường, sữa thậm chí chỉ cho trẻ ăn cháo muối trắng. Vì như vậy, trẻ bị mất nước lại không đủ chất dinh dưỡng khiến cơ thể càng kiệt quệ hơn, không đủ sức chống lại bệnh tật. Tốt nhất là cho trẻ ăn uống bình thường, ăn những thức ăn dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ và vệ sinh thân thể sạch sẽ.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)