Kiên quyết xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn
Dù mức xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn đã tăng cao, nhưng tình trạng tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy và ô tô vi phạm về nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây lại diễn ra phổ biến.
Theo thống kê của Phòng CSGT, CA tỉnh, sau hơn 2 tháng (từ ngày 15.3 đến nay) ra quân thực hiện cao điểm xử lý chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện gần 400 trường hợp tài xế mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Trong rất nhiều trường hợp kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên, thì người điều khiển mô tô vi phạm vẫn chiếm chủ yếu, khoảng trên 80%; đáng nói mức cồn vượt quá 0,4 mlg/1 lít khí thở có 84 trường hợp, phạt tiền hơn 600 triệu đồng. Điều này cho thấy, dù bị phạt nặng nhưng nhiều người vẫn uống nhiều rượu, bia trước khi tham gia giao thông. “Lúc đầu khi Nghị định 100 mới có hiệu lực, tôi cũng nghiêm túc chấp hành. Nhưng rồi vì nhiều lý do, thi thoảng tôi vẫn uống bia rồi lái xe tham gia giao thông. Bây giờ, với mức nồng độ cồn CSGT đo được là 0,559 mlg /lít khí thở, tôi cầm chắc mức phạt sẽ cao và bị tước giấy phép lái xe nhiều tháng. Giờ thì hết dám uống bia rồi lái xe”, một trường hợp vi phạm tỏ ra ân hận khi bị lực lượng CSGT phát hiện và tạm thời giữ phương tiện ô tô khi đo nồng độ cồn và phát hiện vi phạm trên tuyến QL 19 mới vào ngày 20.5 vừa qua.
CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường.
Kết quả phân tích cho thấy, các trường hợp tài xế bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn được phát hiện nhiều nhất tại khung giờ từ 18 - 22 giờ hằng ngày, với khoảng 80%. Chưa kể, trong số vi phạm về nồng độ cồn có không ít trường hợp tỏ ra bất hợp tác. Theo thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó trưởng Phòng CSGT, CA tỉnh: Người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn thì rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ ảnh hưởng đến khả năng làm chủ hành vi cũng như kiểm soát, điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Qua khám nghiệm hiện trường các vụ TNGT gần đây, có không ít vụ ngay tại thời điểm xảy ra tai nạn, chúng tôi đo được nồng độ cồn của người gây tai nạn khá cao.
Đây cũng chính là lý do mà Cục CSGT đã quyết định thực hiện chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” trên phạm vi cả nước nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm này. Triển khai chuyên đề này, CSGT toàn tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ, liên tục, tập trung tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải khách du lịch, hàng hóa, các tuyến đường thường xuyên xảy ra TNGT; khu vực bến xe, kho bãi, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về ANTT, ma túy… Ngoài ra, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, ma túy ở mức cao, CSGT sẽ gửi thông báo về nơi cư trú hoặc cơ quan công tác. Riêng vi phạm về ma túy, có thêm nội dung xác minh nhân thân, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương có biện pháp quản lý theo quy định; kiến nghị với ngành GTVT có biện pháp xử lý tiếp trong các lần gia hạn, nâng hạng cấp bằng lái xe tiếp theo…
“Chúng tôi sẽ liên tục thay đổi địa điểm xửlý, tránh tình trạng các “ma men” đối phó. Riêng những trường hợp chây ỳ, bất hợp tác, CSGT sẽ áp dụng biện pháp ghi hình và tiến hành lập biên bản không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn; đồng thời, ra quyết định tạm giữ phương tiện tại chỗ. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi hy vọng mọi người dân hiểu rằng, pháp luật không cấm uống rượu, bia, nhưng khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đó là cách tự bảo vệ mình và những người xung quanh khỏi bị TNGT”, thượng tá Hoài cho biết.
Bài, ảnh: KIỀU ANH