An Lão sạch đẹp hơn với “Đoạn đường nông dân tự quản”
Triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016, Hội Nông dân huyện An Lão đã phát động phong trào xây dựng mô hình “Đoạn đường tự quản”. Được hưởng ứng nhiệt tình, đến nay, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn huyện.
Đường nông dân tự quản thường là những con đường do Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong quá trình thi công, người dân trực tiếp làm và giám sát chất lượng công trình. Đó là những con đường nội thôn, nội xóm và các khu dân cư. Công trình hoàn thành được giao lại cho chi hội nông dân gắn biển, chăm sóc và duy tu... Theo thống kê, hiện toàn huyện có 45/57 chi hội nông dân nhận tự quản 76 tuyến đường, trong đó một số chi hội đứng ra nhận quản lý từ 2 - 3 tuyến đường. Hằng năm, Hội Nông dân huyện đưa việc tự quản những tuyến đường vào phong trào thi đua nên phong trào phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Nhờ phong trào, nhiều nông dân tích cực hiến đất, góp công, góp của cùng với Nhà nước làm nên những con đường rộng rãi khang trang, nhiều tuyến đường được làm mới với cỏ hoa xanh tốt, bộ mặt nông thôn tươi tắn hẳn lên.
Nông dân thôn Vạn Khánh, xã An Hòa trồng hoa ở đoạn đường nông dân tự quản.
Xã An Tân là một trong những địa phương của huyện có nhiều tuyến đường nông dân tự quản. Bà Võ Thị Lệ, Phó Chủ tịch Hội Nông xã An Tân, cho biết: “Để đẩy mạnh phong trào làm đường nông dân tự quản, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động để bà con thấy rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của những tuyến đường. Hiện cả 6/6 chi hội nông dân trong xã đều nhận quản lý, chăm sóc và duy tu đường nội thôn”.
Con đường nông dân tự quản thôn Tân Lập, xã An Tân dài khoảng 1 km, rộng 5 m được làm mới gần một năm. Ông Trần Tấn Đức, Chi hội trưởng nông dân thôn Tân Lập, tâm sự: “Con đường này được làm từ một phần công sức của nông dân chúng tôi. Có đường, việc đi lại thuận lợi nên nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường. Thấy đường dơ là nông dân tự quét dọn v à bảo dưỡng đường theo định kỳ. Ngoài ra, chi hội còn phát động bà con trồng hoa hai bên đường để tạo cảnh quan. Nhờ vậy mà tuyến đường do chúng tôi tự quản lúc nào cũng được sạch đẹp, thông thoáng”.
Xã An Quang cũng là địa phương tích cực đảm nhận chăm sóc những tuyến đường nội thôn. Hiện cả 5/5 chi hội nông dân trong xã đều nhận quản lý, chăm sóc và duy tu đường nội thôn. Ông Đinh Văn Vư, một nông dân trong xã, tâm tình: Nhà nước đầu tư làm cho con đường đẹp rồi, giờ đi lại thuận tiện chứ không vất vả như xưa nữa. Mấy đợt lũ năm ngoái, nhiều đoạn đường bị xói mòn, hình thành các ổ gà. Vậy là nông dân chúng tôi người gánh đất, người gánh sạn về đắp lại. Đoạn nào gần nhà ai thì nhà ấy tự làm sạch, bà con rủ nhau dọn dẹp như một sinh hoạt cộng đồng vậy.
Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cho biết: Ðể mô hình “Ðoạn đường nông dân tự quản” đi vào cuộc sống, chúng tôi luôn xác định, đầu tiên phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng hội viên, nông dân; thứ đến để đạt hiệu quả cao, bền vững nhất phải nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, khiến cho đồng bào hiểu rõ “làm tất cả những chuyện này là vì lợi ích chính mình, nếu mình không làm thì không ai khác làm thay cho mình”. Rồi xóm thi đua với xóm, thôn thi đua với thôn, sao cho nông dân thôn này thấy đường tự quản ở thôn khác đẹp hơn sẽ tìm hiểu để tìm cách vượt lên. Đến nay, trong toàn bộ 10 xã, thị trấn đã có tuyến đường tự quản, nhiều nơi thực hiện rất tốt phong trào, như xã An Tân, An Hòa, An Quang và thị trấn An Lão.
Bài, ảnh: DIỆP THỊ DIỆU