“Siêu trăng” lớn nhất năm sắp chiếu sáng bầu trời thế giới
Vào tối ngày 25-27.5, người dân ở Oceania, Hawaii, Đông Á và Nam Cực sẽ có cơ hội quan sát nguyệt thực toàn phần cùng lúc với siêu trăng.
Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Điều này chỉ xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng. Nguyệt thực không xảy ra vào mọi kỳ trăng tròn bởi mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng khoảng 5 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất.
Siêu trăng sắp tới lớn nhất trong năm 2021. Ảnh: Forbes.
Khác với nhật thực chỉ quan sát được dọc theo một dải hẹp trên bề mặt địa cầu, nguyệt thực có thể theo dõi từ nửa ban đêm của Trái Đất. Lần nguyệt thực toàn phần này kéo dài khoảng 5 giờ từ khi bắt đầu tới khi kết thúc. Ở châu Á, nguyệt thực xảy ra gần thời điểm trăng mọc buổi tối. Ở bờ tây châu Mỹ, hiện tượng xảy ra vào sáng sớm, gần thời điểm trăng lặn. Những khu vực có thể quan sát nguyệt thực gồm Australia, New Zealand, Hawaii, những quần đảo ở nam Thái Bình Dương và tây nam Alaska.
Kỳ nguyệt thực toàn phần đầu tiên từ tháng 1.2019 cũng xảy ra trùng với siêu trăng, khi Mặt Trăng tiến tới cận điểm, điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó vào 8h21 ngày 26.5 theo giờ Hà Nội. Khi đó, Mặt Trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường trên bầu trời đêm. Đây cũng là siêu trăng lớn nhất trong năm. Do trùng với nguyệt thực, Mặt Trăng có màu đỏ nên còn được gọi là "trăng máu".
Thông thường, khoảng cách trung bình giữa Mặt Trăng và Trái Đất là 384.500 km, nhưng quỹ đạo của nó không phải đường tròn nên khoảng cách này sẽ thay đổi tùy thời điểm. Khi tới cận điểm, Mặt Trăng sẽ ở cách Trái Đất 357.311 km.
(Theo An Khang/VnE/Space)