Nâng giá trị rừng trồng gắn bảo vệ, phát triển rừng bền vững
Các đơn vị quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đang triển khai các bước để thực hiện phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tăng độ che phủ rừng, đảm bảo lợi ích phát triển KT - XH, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.
Đây là lần đầu tiên Bình Định cũng như cả nước phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) theo Luật Lâm nghiệp. Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng phương án QLRBV giai đoạn 2021 - 2030 cho 8 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 ban quản lý rừng đặc dụng. Đến nay, 3 đơn vị (Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, Ban quản lý rừng phòng hộ TX Hoài Nhơn) được cấp thẩm quyền phê duyệt dự toán kinh phí và đang triển khai thực hiện phương án. 6 đơn vị còn lại (Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Lão) đang chờ địa phương phê duyệt dự toán, bố trí kinh phí để thực hiện.
Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với hệ đa dạng sinh học được bảo vệ nghiêm ngặt, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão) hiện đang quản lý hơn 25.100 ha Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn; trong đó, có hơn 22.600 ha rừng đặc dụng. UBND tỉnh phê duyệt dự toán kinh phí hơn 800 triệu đồng giao đơn vị triển khai thực hiện phương án QLRBV giai đoạn 2021 - 2030. Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho biết, đơn vị đang phối hợp với Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp nông thôn tỉnh rà soát lại diện tích đất lâm nghiệp thuộc diện quản lý, điều tra hệ động thực vật để bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học khu bảo tồn, đánh giá tiềm năng cảnh quan trong định hướng phát triển du lịch sinh thái… Đặc biệt chú trọng đảm bảo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương theo phương án QLRBV xây dựng.
Với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, đến nay cũng đã được UBND huyện Hoài Ân phê duyệt kinh phí 480 triệu đồng thực hiện phương án QLRBV trên tổng diện tích rừng hiện quản lý hơn 26.000 ha. Ông Lê Văn Bình, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, cho hay: “Chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế phương án chi tiết. Theo phương án, đơn vị sẽ điều tra lại diện tích rừng quản lý và xin ý kiến giao hơn 5.000 ha đất rừng sản xuất cho xã quản lý, còn hơn 20.500 ha rừng phòng hộ cắm lại mốc, làm lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cho từng giai đoạn cụ thể”.
Trong khi đó, với hơn 7.800 ha đất lâm nghiệp đang quản lý, UBND TX Hoài Nhơn đã phê duyệt kinh phí gần 500 triệu đồng cho Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã triển khai thực hiện phương án QLRBV, với mục tiêu nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế cho người dân. Theo ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã, địa phương có rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển là điều kiện thuận lợi để thực hiện phương án QLRBV gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở khảo sát, điều tra lại các giá trị cảnh quan, hệ động thực vật, xác định mục tiêu bảo vệ và phát triển trồng rừng, khoán bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng…
Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm) nhấn mạnh: Việc xây dựng phương án QLRBV giúp các đơn vị có kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo những nội dung chi tiết, cụ thể, trình tự từng hạng mục thực hiện cho từng giai đoạn đúng quy định, đảm bảo tăng giá trị rừng trồng gắn với phát triển KT - XH theo định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện quan tâm bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện phương án đối với 6 đơn vị đã được phê duyệt để đảm bảo tiến độ.
Bài, ảnh: ÐOÀN NGỌC NHUẬN