Mồng Năm giỗ trận Đống Đa
Hằng năm vào ngày mồng Bốn và mồng Năm Tết Nguyên đán, người dân Bình Định và du khách cả nước lại náo nức du xuân dự Lễ hội Đống Đa (tại huyện Tây Sơn), một trong những lễ hội lớn nhất cả nước trong những ngày đầu xuân, để tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, đã chiến thắng 29 vạn quân Thanh xâm lược đem lại hòa bình thống nhất cho đất nước vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789.
Mộ ông nội, gò Lăng…
Tháng 4.1990, trong quá trình đào đất đắp đường, người dân Tây Sơn phát hiện được một tấm bia mộ làm bằng đá nằm sâu dưới đất ruộng ở làng Phú Lạc, xã Bình Thành. Trên tấm bia có dòng chữ Hán, dịch là: Lăng mộ ông nội đã qua đời của nhà vua nước Việt, ông là một vị minh triết, mưu lược, cương nghị. Dòng chữ nhỏ bên phải có ghi: Ngày lành tháng hai năm Kỷ Hợi. Dòng chữ nhỏ phía trái ghi: Nhà vua lập bia.
Tấm bia này được xác định là của ngôi mộ cổ cách đó khoảng 15 m. Lăng mộ do vua Thái Đức Nguyễn Nhạc xây dựng vào năm Kỷ Hợi 1779. Tổ tiên của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Long, người xứ Nghệ vào Bằng Châu Đập Đá Bình Định phối hôn với bà họ Đinh (người Bằng Châu) sinh ra ông Hồ Phi Tiễn. Ông Hồ Phi Tiễn lên Phú Lạc buôn trầu, kết duyên với bà Nguyễn Thị Đồng (con một gia đình giàu có ở Phú Lạc) rồi cất nhà ở luôn bên vợ, sinh được một con trai là Hồ Phi Phúc, về sau đổi họ thành Nguyễn Phi Phúc. Ông Nguyễn Phi Phúc kết duyên với bà Mai Thị Hạnh, sinh hạ được ba con trai là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Cách ngôi mộ cổ không xa, khoảng vài chục mét là di tích Gò Lăng, nơi có nền và vườn nhà của ông bà nội của 3 anh em là ông Hồ Phi Tiễn và bà Nguyễn Thị Đồng. Nơi này cũng chính là quê mẹ của ba người anh hùng - bà Mai Thị Hạnh. Tại đây, người dân đã lập đền thờ ba vua và cúng giỗ vào ngày rằm tháng 11 âm lịch hàng năm. Gia đình ông Hồ Phi Phúc lúc đầu ở Phú Lạc, sau về Kiên Mỹ sinh sống.
Đình Kiên Mỹ- Điện Tây Sơn tam kiệt
Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt hiện nay, được xây dựng trên nền đình làng Kiên Mỹ xưa. Tương truyền ở đó là nền nhà cũ - nơi sinh ra ba anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Nơi đây vẫn còn dấu tích cây me hơn 200 năm tuổi và giếng nước đá ong của từ đường ông bà Hồ Phi Phúc- thân sinh của 3 ngài .
Sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Phú Xuân, đã tìm mọi thủ đoạn để trả thù phong trào nông dân Tây Sơn, từ đường họ Hồ này cũng bị phá hủy. Để tưởng niệm những vị anh hùng dân tộc, nhân dân địa phương lập nên ở đó ngôi đình làng gọi là đình làng Kiên Mỹ. Đình mượn cớ thờ thành Hoàng, nhưng bí mật ngụy trang để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Hàng năm đến ngày rằm tháng 11 âm lịch dân làng tổ chức cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn”. Lúc đầu, đình được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà mái lá miền Trung, chất liệu bằng gỗ, mái lợp tranh, vách đất, các cột, vì, kèo… đầu chạm long, phụng tinh xảo, người Tây Sơn thường ví von: "Hạc chợ đình, cột đình Kiên Mỹ". Tiếng là đình, nhưng Sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không thờ ở đây mà đem thờ ở miếu Vĩnh An thuộc xóm Hưng Trung. Vì đình Kiên Mỹ thực chất là thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Vì vậy, ở vùng này có câu ca dao:
Ai cho miễu lớn hơn đình,
Bậu có chồng mặc bậu vẫn gọi mình bằng anh.
Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Kiên Mỹ bị Pháp đốt cháy. Sau đó, nhân dân lập ngôi miếu nhỏ dưới góc cây me để thờ ba anh em nhà Tây Sơn. Cây me cổ thụ đã đi vào tâm thức dân gian với lòng tri ân nhà Tây Sơn sâu nặng:
Cây me, giếng nước, sân đình
Ơn sâu, nghĩa nặng dân mình còn ghi.
Đến năm1958 nhân dân quận Bình Khê (Tây Sơn) đã góp công, của xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Tây Sơn điện. Từ đó, việc thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn hàng năm đã trở nên công khai. Sau ngày thống nhất đất nước, nhân dân và chính quyền địa phương đã chung tay tôn tạo xây dựng khu tưởng niệm đặc biệt này và nơi đây, cùng với quần thể Bảo tàng Quang Trung và các khu di tích thuộc phong trào Tây sơn đã trở thành nơi người dân tổ chức giỗ trận Đống Đa hàng năm.
Tượng Quang Trung chùa Bộc
Trong gian trưng bày của bảo tàng Quang Trung có một cụm tượng 3 người đặt dưới chữ tâm. Đó là phiên bản tượng được đưa về từ chùa Bộc Hà Nội
Sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long triều Nguyễn thực hiện một loạt các cuộc báo thù tàn khốc đối với các tướng lãnh triều Tây Sơn, với con cháu cũng như với chính linh cốt của vua Quang Trung. Mọi việc thờ cúng liên quan đến triều Tây Sơn đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên tại Chùa Bộc đã bí mật thờ tượng Quang Trung dưới hình thức Đức ông. Vào năm 1962, nhà nghiên cứu Trần Huy Bá phát hiện phía sau bệ gỗ pho tượng Đức ông chùa Bộc có dòng chữ ghi: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng” (Năm Bính Ngọ tạc tượng vua Quang Trung). Các nhà nghiên cứu phán đoán pho tượng được tạc vào năm Bính Ngọ 1846.
Tượng Đức Ông ngồi trên cao, ở dưới, hai bên có hai pho tượng khác. Cả ba pho tượng cho thấy như thể quân vương đang bàn chuyện đại sự với hai vị cận thần. Tư thế của tượng Đức Ông cũng khác thường. Ngài ngồi trên bệ sơn son, một chân ở trong hài, còn một chân để bên ngoài một cách tự nhiên, rất sống động. Ngài mặc áo hoàng bào, thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc, đầu đội mũ xung thiên, có hai dải kim tuyến thả xuống trông rất oai nghiêm. Tất cả trang phục đó là của vị đế vương. Ngay sau lưng pho tượng, phía bên trên đỉnh đầu, có một chữ tâm bằng Hán tự rất lớn. Bên trên, trước ngai thờ có một tấm hoành phi ghi bốn chữ: “Uy phong lẫm liệt”.
Đặc biệt hơn hết là đôi câu đối treo hai bên ngai thờ Đức Ông, như sau:
(Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ.
Quang trung hoá Phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.)
(Trong động sạch bụi dơ, non sông rộng lớn lưu truyền lương đống
Giữa ánh sáng thành Phật, tiểu thiên thế giới chuyển động gió mây).
Đã 225 năm trôi qua, kể từ ngày Quang Trung hoàng đế cùng cả đất nước ca khúc khải hoàn chiến thắng quân Mãn Thanh xâm lược, ngày nay về lại đất Tây Sơn, nơi chôn nhau cắt rốn của 3 người anh hùng áo vải, ta như thấy trong phảng phất khói hương còn hiển hiện bóng dáng những anh linh thủa trước. Chương trình tế lễ, dâng hương dâng hoa nhân ngày giỗ trận Đống Đa diễn ra từ trưa mồng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền đặc sắc được tổ chức tại điện Tây Sơn Tam kiệt, cũng chính là nơi thờ phụng 3 vị anh hùng suốt gần 2 thế kỷ qua.
Trong tiếng trống rền vang của bài nhạc võ Trống trận Tây sơn, cả một chương lịch sử oai hùng của dân tộc được tái hiện với những tiếng gươm khua, súng nổ, tiếng hò reo của quân sĩ, tiếng voi gầm, ngựa hí …, không gian như vang vọng hồn thiêng sông núi, đưa người dự hội trở về với thời khắc lịch sử của hơn hai trăm năm trước…
Theo các nhà nghiên cứu, pho tượng này chính là tạc vua Quang Trung cho nên mới có hai người hầu ngồi dưới. Nhưng vì triều Nguyễn trả mối thâm thù với triều Tây Sơn cho nên người dân muốn thờ vua Quang Trung phải núp dưới danh nghĩa tượng đức ông để tránh con mắt dòm ngó của triều đình.
Chính ông Nguyễn Kiên, một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn, sau trở thành nhà sư, tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung. Như vậy, pho tượng đức ông ở chùa Bộc chính là tượng vua Quang Trung nhưng để tránh phiền hà với triều Nguyễn nên nhân dân để thờ dưới danh nghĩa đức ông.
Sử sách còn lưu lại cho biết, sau khi triều Nguyễn lên nắm chính quyền đã trả thù những người đi theo Tây Sơn cực kỳ tàn khốc. Ấy vậy mà người dân ở nơi một thời chiến địa Đống Đa lịch sử này vẫn dũng cảm thờ người anh hùng của dân tộc thì quả thật là dũng cảm và mưu trí.
Ngày nay, chùa Bộc nằm cách gò Đống Đa khoảng 400m. Đây là hai di tích còn sót lại đến ngày nay có liên quan đến chiến thắng lẫy lừng của Quang Trung năm xưa. Đặc biệt với chùa Bộc, một số người vẫn cho rằng đây là ngôi chùa được dựng lên để thờ quân lính nhà Thanh chết trận nhưng rõ ràng với pho tượng Đức Ông đã được giải mã, chúng ta tự hào rằng đây là một trong số ít nơi đã hương khói không dứt cho người anh hùng áo vải từ trăm năm trước.
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn - Bình Định Năm 2014 được tổ chức trọng thể, hoành tráng từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật Tây Sơn, trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... diễn lại trận đánh lịch sử thời Tây Sơn... thu hút đông đảo khách nước ngoài, nhân dân cả nước và đặc biệt là người dân đất võ tham dự.
Chương trình hội ngày mồng 5 tuy có thay đổi hằng năm nhưng các mục chính thì năm nào cũng có, đó là diễn văn ôn lại lịch sử Tây Sơn với cuộc đại phá quân Thanh, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn và thao diễn trận pháp. Tiết mục võ thuật Tây Sơn được các võ sư, võ sĩ, nghệ nhân tên tuổi hàng đầu Bình Định biểu diễn các bài quyền truyền thống nổi tiếng của nhà Tây Sơn như: Lão mai độc thọ, Ngọc trản quyền, Hùng kê quyền; các bài võ sử dụng binh khí: Lôi long đao, Song phượng kiếm, Tuyết hoa song kiếm và Lôi phong tuỳ hình kiếm, hay các bài roi như Roi Thái sơn, Roi Hắc đảnh ô sơn … được người xem tán thưởng nhiệt liệt.
Ngày nay, đi dự lễ hội tết Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào và cũng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được trong những ngày đầu xuân.
P. L