CAO ĐIỂM PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG:
Tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn tỉnh, trong tháng 5 - 6 tới đây, Bình Định có thể xảy ra 4 - 5 đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với nhiệt độ trung bình phổ biến từ 35 - 370C, có nơi lên đến 400C, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo luôn ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Ngày 21.5, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, PCCC rừng.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, các hạt kiểm lâm tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét bảo vệ rừng và PCCC rừng (BVR&PCCCR). Ông Nguyễn Ơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, địa bàn Tây Sơn không xảy ra cháy rừng, nhưng tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn diễn ra. Chúng tôi đã phát hiện, xử lý 6/7 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Đơn vị đã tăng cường lực lượng phối hợp với chủ rừng, ngành chức năng huyện, xã chốt chặn tại các điểm trọng điểm tại làng Cam (xã Tây Xuân), Hầm Hô (xã Tây Phú), làng Kon Mon (xã Vĩnh An) để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp”.
Lực lượng chức năng huyện Phù Mỹ phát ranh cản lửa khu vực rừng phi lao ven biển tại xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ).
Huyện Phù Mỹ hiện có gần 15.000 ha rừng; trong đó, diện tích rừng dễ xảy ra cháy là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phi lao ven biển, rừng trồng của người dân. Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, cho hay: “Để nâng cao hiệu quả BVR&PCCCR, hạt tổ chức tuyên truyền lưu động bằng xe loa; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng các xã, các chủ rừng thường xuyên tuần tra tại các địa bàn trọng điểm để giữ rừng”.
5 tháng đầu năm nay, ngành Kiểm lâm tỉnh đã xử lý 3 vụ khai thác rừng trái pháp luật và đã khởi tố 1 vụ chuyển cơ quan CA điều tra; xử lý 6/7 vụ phá rừng trái pháp luật, 65/66 vụ vận chuyển,bmua bán lâm sản trái pháp luật, thu nộp ngân sách 277 triệu đồng. Đến nay, cả tỉnh xảy ra 1 vụ cháy rừng thiệt hại hơn 3.300 m2 rừng trồng, tăng 1 vụ so với năm trước.
Các chủ rừng cũng triển khai nhiều biện pháp BVR&PCCCR. Theo ông Phạm Bá Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh), đơn vị đã xây dựng hệ thống bản đồ các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao nhằm kịp thời phát hiện, chữa cháy khi đám cháy mới phát sinh, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Đồng thời, bố trị lực lượng tại 5 chốt, trạm để phối hợp kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra BVR&PCCCR, nhất là các vùng rừng giáp ranh với huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai), tỉnh Phú Yên, huyện Tây Sơn.
Huyện An Lão kiện toàn 57 tổ, 10 đội PCCCR ở các thôn, xã trong huyện; 2 đội PCCCR của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện An Lão và bố trí lực lượng tuần tra liên tục trong rừng. Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết: “Toàn huyện có hơn 54.000 ha rừng; trong đó, có hơn 48.200 ha rừng tự nhiên, còn lại là diện tích rừng trồng. Mặc dù tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất lâm nghiệp ở huyện không còn, nhưng tình trạng người dân các xã vùng cao khai thác gỗ rừng về làm nhà vẫn còn xảy ra, huyện đã chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi này. Nếu địa phương, chủ rừng nào để xảy ra cháy rừng, xâm hại rừng thì huyện sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, chủ rừng đó”.
Chi cục Kiểm lâm hiện đã triển khai cho các hạt kiểm lâm mua bản quyền các phần mềm ứng dụng để theo dõi diễn biến rừng, cập nhật cảnh báo nguy cơ cháy rừng để triển khai các giải pháp BVR&PCCCR. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lê Đức Sáu, cho biết: Giải pháp ưu tiên nhất được Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm thực hiện vẫn là bố trí lực lượng túc trực tuần tra liên tục trong rừng để giữ rừng; nghiêm cấm người ra vào rừng, cấm xử lý thực bì bằng hình thức dùng lửa đốt trong thời điểm này để hạn chế cháy rừng. Chi cục cũng yêu cầu các chủ rừng bố trí nhân lực, phương tiện để bảo vệ diện tích rừng quản lý theo phương án được lập…
Bài, ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN