Cho – nhận nuôi con nuôi: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
Hoạt động giải quyết cho - nhận nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định, tạo điều kiện cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình và nhiều người được làm cha, làm mẹ. Bên cạnh kết quả, thực tiễn thi hành Luật Nuôi con nuôi cũng bộc lộ một số bất cập cần khắc phục.
Chưa xảy ra trường hợp vi phạm, tranh chấp
Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi và Quy chế phối hợp về giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để việc đăng ký, giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Qua đó, góp phần giúp cho nhiều trẻ em có được mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục tốt; bảo đảm cho nhiều người, đặc biệt phụ nữ độc thân hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn được làm cha, làm mẹ.
Luật Nuôi con nuôi thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi giúp cho nhiều trẻ em thiệt thòi có được mái ấm gia đình. - Trong ảnh: Mẹ và con Làng trẻ em SOS Quy Nhơn trong ngày hội ẩm thực tại Làng, diễn ra trong năm 2019. Ảnh: SAO LY
Theo số liệu của Sở Tư pháp, tính từ ngày 1.1.2011 đến 31.12.2020, số lượng đăng ký nuôi con nuôi trong nước trên địa bàn tỉnh là 115 trường hợp. “Đáng mừng là chưa có trường hợp nào bị thu hồi hoặc hủy bỏ và chưa xảy ra trường hợp vi phạm, tranh chấp trong việc giải quyết nuôi con nuôi”, ông Trần Minh Hồng, Trưởng Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp, cho biết. Cũng theo ông Hồng, việc thực hiện báo cáo tình hình phát triển của con nuôi và theo dõi việc nuôi con nuôi (theo quy định tại Điều 23 Luật Nuôi con nuôi) được thực hiện nghiêm túc. Kết quả cho thấy, trẻ em được nhận làm con nuôi có thể chất, tinh thần phát triển tốt; hòa nhập với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng; cha, mẹ nuôi quan tâm chăm sóc con nuôi chu đáo, cho trẻ được sống trong môi trường tốt nhất.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho trẻ em có cơ hội được làm con nuôi nước ngoài, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn các cơ sở trợ giúp xã hội đánh giá và lập hồ sơ trẻ em theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã giải quyết cho 2 trường hợp trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài.
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, thanh tra giải quyết việc nuôi con nuôi tại 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, chưa phát sinh hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc nuôi con nuôi.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến những “khoảng trống” về thể chế.
Chẳng hạn, tại khoản 1 Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định “Người nhận con nuôi phải có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”. Tuy nhiên, trên thực tế không có căn cứ xác định tiêu chuẩn “có điều kiện về kinh tế”, khiến mỗi nơi áp dụng mỗi cách; việc xác định “chỗ ở bảo đảm cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con nuôi” cũng khó khăn vì một số trường hợp người nhận con nuôi cung cấp thông tin không đúng với hoàn cảnh thực tế.
Về trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em, tại khoản 2 Điều 15 quy định trường hợp trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích không còn khả năng nuôi dưỡng thì báo với UBND cấp xã để tìm gia đình thay thế. Tuy vậy, không có cơ sở để xác định thế nào là “không có khả năng nuôi dưỡng” nên hầu như không có trẻ em nào được tìm gia đình thay thế trong những trường hợp này.
Đáng chú ý, theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ. Tuy nhiên, có tình trạng sau khi sinh con, cha mẹ đẻ cho con làm con nuôi nhưng chỉ viết giấy tay, cung cấp giấy chứng sinh… mà không để lại địa chỉ hoặc để lại địa chỉ giả. Do đó, khi tiến hành thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, UBND cấp xã không thể liên hệ được với cha, mẹ đẻ để lấy ý kiến đồng ý theo quy định của pháp luật...
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan, để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế. Cụ thể: Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cho - nhận nuôi con nuôi đối với gia đình chính sách, người có công, nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc làm con nuôi của các đối tượng này để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước; sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước… “Bên cạnh kiến nghị sớm khắc phục vướng mắc, hoàn thiện về thể chế, tỉnh cũng đã đề xuất một số biện pháp tăng cường hiệu quả thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay. Trong đó, chú trọng tăng cường công tác tập huấn và hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác giải quyết việc nuôi con nuôi; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật”, bà Lan đề nghị.
Bài, ảnh: SAO LY