Tập trung dập dịch viêm da nổi cục trên bò
Sau 30 ngày xuất hiện ổ dịch bệnh viêm da nổi cục đầu tiên tại thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, đến nay dịch bệnh này đã lan rộng ra 37 xã ở 5 huyện, thị xã trong tỉnh. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đang nỗ lực khoanh vùng, bao vây dập dịch.
Dịch bệnh lây lan nhanh
Ngày 27.4.2021, ngành chức năng của tỉnh và huyện Phù Cát phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục (VDNC) đầu tiên trên đàn bò 12 con của các hộ dân ở thôn Phú Trung, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Cùng với việc lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, lực lượng thú y đã tổ chức phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại, tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh VDNC và hướng dẫn người dân bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Nhờ đó, ổ dịch tại xã Cát Thành đã cơ bản được bao vây, khống chế. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các ổ dịch mới liên tục phát sinh tại nhiều địa phương khác và nhanh chóng lây lan ra diện rộng. Tính đến ngày 27.5, dịch bệnh VDNC đã phát sinh gây hại đàn bò 545 con của 411 hộ dân tại 117 thôn của 37 xã thuộc địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân và TX An Nhơn.
Lực lượng thú y huyện Phù Cát hỗ trợ người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh VDNC cho đàn bò.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dịch bệnh VDNC lây nhiễm nhanh qua các loại côn trùng, như: Ruồi, muỗi, ve... Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển trâu, bò ra vào địa phương có mang theo mầm bệnh VDNC cũng là một nguồn lây nhiễm. Khác với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm thường thấy, bệnh VDNC chỉ xuất hiện gây hại đàn trâu, bò, không lây nhiễm sang các loại vật nuôi khác. Các ổ dịch phát sinh lẻ tẻ, bình quân mỗi xã có khoảng 15 con bò bị bệnh VDNC, nhưng loại dịch này lại “nhảy cóc” từ địa bàn này đến địa bàn khác với khoảng cách xa. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng thú y trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm, bao vây, khống chế dịch bệnh. Đáng lo ngại là tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh thêm các ổ dịch mới tại nhiều địa phương trong thời gian đến rất cao.
Nỗ lực bao vây, dập dịch
Theo ông Nguyễn Văn Thãi, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Mỹ, từ ngày 11.5 đến nay, có 142 con bò của 121 hộ dân tại 48 thôn của 18/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện bị nhiễm VDNC. Lực lượng thú y từ huyện đến xã, thôn được huy động phối hợp chia làm 5 tổ, tiến hành các biện pháp bao vây, khống chế các ổ dịch VDNC. Cùng với việc hỗ trợ người dân thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh kịp thời cho toàn bộ đàn bò tại các thôn, xã có ổ dịch VDNC, cán bộ thú y còn tư vấn, hướng dẫn người dân bổ sung chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. “Lực lượng thú y cơ sở làm việc cả ngày lẫn đêm, không nề hà địa bàn xa hay gần. Nhờ vậy đến nay, chúng tôi đã tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh VDNC cho 16.355 con bò tại các địa phương, hạn chế các ổ dịch phát sinh thêm”, ông Thãi cho biết.
Sau nhiều ngày tích cực chữa trị và chăm sóc, triệu chứng của bệnh VDNC trên đàn bò của hộ bà Dương Thị Bé (thôn Tân Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) đã giảm.
Tại thôn Tân Lộc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, sau khi phun thuốc sát trùng chuồng bò và tiêm vắc xin cho 3 con bò của hộ bà Dương Thị Bé, lực lượng thú y địa phương nhanh chóng đến các hộ nuôi bò khác để thực hiện việc này. “Tôi tách 2 con bị nhiễm bệnh nuôi nhốt riêng để tiện chữa trị và hạn chế lây nhiễm. Hàng ngày, ngoài thức ăn xanh, tôi cho bò ăn thêm cháo, cám, bổ sung các loại thuốc bổ nhằm tăng sức đề kháng. Hiện các u cục trên thân bò đã lặn xuống, bò ăn được nhiều... nên tôi mừng lắm!”, bà Bé chia sẻ.
“Ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng, bao vây dập dịch và chữa trị đàn bò bị nhiễm bệnh; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ thêm vắc xin phòng chống dịch bệnh VDNC để tiêm phòng cho 320 nghìn con trâu, bò tại các địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động mua bán, vận chuyển trâu, bò tại địa phương; không để người dân tự ý mua bán, giết mổ, vận chuyển bò bị nhiễm bệnh VDNC ra vào vùng dịch, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh thêm”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc
Tại huyện Phù Cát, công tác bao vây, khống chế các ổ dịch bệnh VDNC cũng đang thực hiện khẩn trương. Ông Đoàn Minh Sang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát, cho biết: Lực lượng thú y đã tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh VDNC cho 8.502 con bò tại 15 xã có ổ dịch VDNC. Sau nhiều ngày tích cực chữa trị, chăm sóc, đến nay có 136/337 con bò bị nhiễm bệnh VDNC đã khỏi triệu chứng.
Sở NN&PTNT đã in cấp phát cho các địa phương 2.500 tờ rơi hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC; phân bổ cho các địa phương 11.500 lít thuốc sát trùng Benkocide và 10.000 liều vắc xin, đồng thời xây dựng phác đồ điều trị bệnh VDNC làm cơ sở cho lượng thú y cơ sở cùng người chăn nuôi áp dụng. Các địa phương đang duy trì phun thuốc tiêu độc sát trùng 2 ngày/lần tại các thôn có ổ dịch, vận động người dân mua thêm vắc xin để tiêm phòng cho đàn bò. Nhờ nhiều nỗ lực trong phòng, chống, chữa trị, đến nay chưa có con bò nào trong tỉnh bị chết do dịch bệnh VDNC.
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ