Ngăn chặn nạn khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy trên đầm Ðề Gi: Cần có giải pháp hiệu quả hơn
Sau thời gian có phần lắng xuống, gần đây tình trạng sử dụng xung điện, xiếc máy khai thác thủy sản trái phép trên đầm Ðề Gi (thuộc địa bàn 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ) lại rộ lên, khiến cho nguồn lợi thủy sản trong đầm ngày càng cạn kiệt, tác động xấu đến hệ sinh thái nơi đây.
Theo Ông Lê Thành Tài, ở thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), phản ảnh: Trên đầm Đề Gi, có hàng chục ghe dùng xung điện, xiếc máy (XĐXM) khai thác thủy sản cả đêm lẫn ngày. Mỗi lần có lực lượng kiểm tra của tỉnh, huyện thì hoạt động này lắng xuống được mấy hôm, sau đó đâu lại vào đấy.
Sáng 26.5, tại đầm Đề Gi, khu vực giáp ranh giữa thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh với thôn Ngãi An, xã Cát Khánh, phóng viên ghi nhận có khoảng 30 chiếc ghe giơ gọng xiếc đậu trên đầm.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Tất cả các hộ có ghe hành nghề XĐXM trên đầm Đề Gi ở địa bàn xã Cát Khánh đã chuyển đổi nghề, hiện không có hộ nào hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép trên đầm. Các ghe đang hành nghề XĐXM trên đầm hiện nay là của ngư dân xã Cát Minh. Việc đấu tranh, xử lý tình trạng đánh bắt thủy sản bằng XĐXM hiện nay rất khó khăn, phức tạp do phần lớn đối tượng đánh bắt bằng xung điện là người ở địa bàn khác. Ngoài ra, do không có phương tiện chuyên dụng nên nhiều khi thấy họ dùng xung điện đánh bắt trên đầm nhưng chúng tôi không thể đuổi bắt được, hơn nữa bộ xung điện có thể gây nguy hiểm cho lực lượng truy bắt khi các đối tượng manh động, có hành vi chống đối.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, tại khu vực đầm Đề Gi có khoảng 60 ghe hành nghề XĐXM hoạt động khai thác trái phép. Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng chức năng liên quan thực hiện 20 chuyến tuần tra, kiểm soát trên vùng biển quản lý, phát hiện và xử phạt hành chính 12 trường hợp hành nghề XĐXM, phạt tiền hơn 40 triệu đồng.
Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cát Khánh, Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng CSGT, CA tỉnh) và UBND các xã Cát Khánh, Cát Minh tuần tra, phát hiện, xử lý nạn XĐXM ở đầm Đề Gi. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn hoạt động lén lút với cách thức rất tinh vi, khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra thì báo tin cho nhau dừng hoạt động.
Thời gian tới, Sở tăng cường phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức tuyên truyền đến các chủ tàu cá, ngư dân về ý nghĩa, vai trò của nguồn lợi thủy sản; pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; các quy định nghiêm cấm hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản. Phối hợp với UBND huyện Phù Cát xây dựng các mô hình đồng quản lý trên địa bàn theo quy định của Luật Thủy sản 2017; giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực đầm Đề Gi.
“Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên địa bàn tỉnh năm 2021. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc UBND huyện Phù Cát kịp thời xây dựng kế hoạch chi tiết của địa phương, với vai trò là chủ trì việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động nghề cấm khai thác trên địa bàn quản lý. Trường hợp huyện Phù Cát vẫn để tình trạng XĐXM diễn ra trên đầm Đề Gi, Sở sẽ thành lập các chốt để tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm”, ông Phúc cho biết thêm.
Bài, ảnh: VĂN LƯU