Chiến thắng Đống Đa – Bản hùng ca bất diệt
Sáng nay 4.2 (mùng 5 Tết Giáp Ngọ), tại quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2014).
Đến dự Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa có các đồng chí: Nguyễn Văn Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kì, đại biểu các sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh…
Trong diễn văn đọc tại lễ mít tinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc đã nhấn mạnh: “Cuộc hành binh thần tốc của Hoàng đế Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 đã thành khúc ca khải hoàn, ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong niềm tự hào chung của nhân dân cả nước, nhân dân Bình Định có quyền tự hào là mảnh đất cội nguồn, nơi ba anh em Tây Sơn được sinh ra, được nuôi dưỡng với dòng sữa mẹ và khí thiêng sông núi quê nhà… Tinh thần của phong trào Tây Sơn và chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa mãi mãi tiếp sức cho các thế hệ mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta nguyện tiếp tục hoàn thành ước nguyện của cha ông đó là quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp…”.
Sau tiếng trống khai hội vang vọng của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, đông đảo mọi người về dự lễ đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Chiến thắng Đống Đa – Bản hùng ca bất diệt” gồm có ba chương, với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, võ sĩ của các đơn vị: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn, Trung tâm Võ cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh…Trong chương đầu tiên “Dựng cờ khởi nghĩa”, người xem được dẫn dắt trở về bối cảnh lịch sử thế kỷ XVIII, thời điểm đất nước ta có nhiều biến loạn. Ở Đàng ngoài họ Mạc lập giang san riêng, chúa Trịnh lấn át vua Lê; ở Đàng trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành khiến nhân dân rơi vào cảnh lầm than, trăm bề khổ cực….Năm 1771, trước sự thống khổ của người dân. Ba anh em nông dân ở Ấp Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đã bí mật xây dựng căn cứ địa vững chắc của mình trên vùng đất An Khê thượng đạo, phất cờ khởi nghĩa, dẹp tan những cuộc xâu xé của các tập đoàn phong kiến, lấp bằng “Hận sông Gianh” đã chia cắt đất nước ta ngót hai thế kỷ.
Chương hai “Đại thắng Quân Thanh – Giải phóng Thăng Long” tạo nhiều cảm xúc cho người xem trong âm vang trống trận Tây Sơn, cảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung được tái hiện trên sân khấu là vị vua đảm đương trọng trách cứu đất nước khỏi họa xâm lăng, đưa nhân dân thoát vòng nước lửa, với lời khẩu dụ bất hủ: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc Anh hùng chi hữu chủ”. Cuộc hành binh thần tốc đập tan 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long được dàn dựng sân khấu hóa kết hợp với nghệ thuật biểu diễn quảng trường, với những màn đấu võ, đồng diễn võ thuật Tây Sơn – Bình Định đẹp mắt truyền đến người xem tinh thần tự hào dân tộc…
Chương cuối cùng với chủ đề “Tiếp bước truyền thống oai hùng - Bình Định tự hào đi lên” đã góp phần khẳng định người dân Bình Định hôm nay luôn phát huy “hào khí Tây Sơn” để ra sức dựng xây quê hương, cùng cả nước vững bước đi tới tương lai tươi sáng. Trong đoạn kết được dàn dựng hoành tráng, ấn tượng của chương trình biểu diễn nghệ thuật, nhiều chim bồ câu đã được thả bay lên bầu trời xanh mang theo thông điệp yêu chuộng hòa bình mà dân tộc Việt Nam luôn hướng đến để đoàn kết siết chặt tay nhau, vượt mọi gian nguy vì Tổ quốc vẹn toàn gấm vóc….
Hoài Thu
* Hình ảnh Lễ hội kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc ôn lại truyền thống hào hùng của nghĩa quân Tây Sơn, văn thần võ tướng, anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ và đánh trống khai hội.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Tây Sơn dự Lễ Kỷ niệm.
Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút.
Ba anh em nhà Tây Sơn mừng chiến thắng.
Tái hiện hình ảnh quân Tây Sơn đánh với quân Thanh.
Cảnh ăn mừng chiến thắng của quân Tây Sơn.
Quang cảnh mừng chiến thắng.
Đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương về dự Hội Đống Đa.
Ảnh: Văn Lưu