Cảnh giác với cúm gia cầm
Ngày 3.4, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A (H7N9). Theo đó, các đơn vị chủ động phòng chống dịch bệnh; triển khai tốt công tác kiểm dịch y tế biên giới, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh, xử lý y tế kịp thời đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, đặc biệt chú ý khách nhập cảnh từ vùng có ca bệnh.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Đồng thời tiến hành điều tra, giám sát phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A (H7N9), thực hiện xử lý kịp thời các ổ dịch, hạn chế lây lan.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Trung Quốc, tình trạng nhiễm cúm A ở người đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Đến nay, tại Trung Quốc đã có 14 người nhiễm virus H7N9, trong đó có 5 người thiệt mạng. Trước diễn biến phức tạp của virus cúm H7N9, các nhà khoa học cảnh báo khả năng phát hiện loại virus cúm gia cầm mới H7N9 còn khó hơn virus H5N1 vì nó lây nhiễm cho một số gia cầm mà không gây ra những triệu chứng có thể nhận thấy. Đáng lo hơn, H7N9 dường như đã biến đổi gien để có thể lây lan sang những động vật khác dễ dàng hơn. Những động vật này có thể trở thành vật chủ để phát tán virus rộng khắp hơn trong cộng đồng người.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, cho, tặng, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm qua biên giới. Các ngành liên quan như: hải quan, thú y, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu gia cầm qua biên giới nhằm hạn chế khả năng lây lan virus H7N9 vào nước ta.
Từ đầu tháng 3 đến nay, ở tỉnh ta cũng đã phát hiện dịch cúm gia cầm tại 5 hộ gia đình ở TP Quy Nhơn và huyện Hoài Nhơn, với tổng đàn vịt bị bệnh và tiêu hủy 8.470 con. Theo ngành chức năng, hầu hết đàn vịt bị mắc dịch đều là vịt tơ mới tái đàn, thời gian nuôi từ 2-3 tháng tuổi. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan Thú y vùng 4 Đà Nẵng đã phát hiện vịt chết do virus cúm A (H5N1). Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, xuất nguồn vắc-xin dự phòng để tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm tại địa phương. Đồng thời, yêu cầu các hộ chăn nuôi tại địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Như vậy là sau hơn hai năm tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại một số điểm trên địa bàn tỉnh ta là dấu hiệu cho thấy nguy cơ của dịch bệnh này vẫn còn tiềm ẩn. Thực tế này cùng với diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trong nước và việc nhiễm bệnh sang người gây tử vong ở nước láng giềng đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác phòng ngừa để tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
AN LÊ