Tên gọi “Cầu Đôi” có từ bao giờ?
Người thời nay phần nhiều cho rằng nơi cửa ngõ TP Quy Nhơn, có hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa, một cho đường bộ, cùng bắc qua một chi lưu của sông Hà Thanh là sông Ngang từ trên Long Vân, Tường Vân quành xuống đây đổ ra đầm Thị Nại, nên cầu mang tên là Cầu Ðôi. Thật ra không phải vậy!
Cầu Đôi nằm kề bên Tháp Đôi (còn có tên là tháp Hưng Thạnh), hình ảnh đủ cặp đủ đôi đi liền, khiến cho bao câu ca xưa đã vin vào đó mà khơi duyên chuyện tình đôi lứa: Cầu Đôi liền với Tháp Đôi / Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng. Hoặc là: Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi/ Vật vô tri còn biết đèo bồng đôi lứa, huống chi tôi với nàng…
Cầu Đôi ngày nay. Ảnh: BẢO MINH
Nhân vì nói chuyện Cầu Đôi ở Quy Nhơn, người viết muốn nhắc lại vài chuyện xưa cũ sử cũ nơi quê hương. Cầu Đôi hiện tiếp giáp cả 3 phường Nhơn Phú, Nhơn Bình và Đống Đa, sách xưa chép tên cầu là “Tân Hội”. Khu vực này vốn là phòng tuyến do nhà Tây Sơn lập ra để ngăn quân binh của Nguyễn Ánh tiến sâu vào nội địa, nếu một khi thủy quân Gia Định đổ bộ lên được Chợ Giã, tức trung tâm TP Quy Nhơn hiện nay. Và thực tế tại cuộc chiến 1771 - 1802, nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu cả hai bên tham chiến.
Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép về trận chiến Quý Sửu 1793, thủy quân của Võ Tánh đổ bộ lên chợ Giã, đã phá vỡ phòng tuyến “cầu Tân Hội” để tiến lên cánh đồng Bình Thạnh, phối hợp với bộ binh vượt được Cù Mông ra ngõ Diêu Trì, Phú Tài cùng vây đánh quân Tây Sơn ở núi Úc, núi Kỳ Sơn. Làng Bình Thạnh nay vẫn còn tên, thuộc phường Nhơn Bình. Trên Cầu Đôi chừng 1 km, ở ngã ba Ông Thọ nay vẫn còn đình làng Bình Thạnh. Theo Địa Bạ triều Nguyễn, con sông làm ranh giới giữa 2 làng Bình Thạnh và Hưng Thạnh xưa chính là nhánh sông chảy ra đầm Thị Nại có cầu Đôi bắc qua hiện nay.
Trận chiến năm Tân Dậu 1801, đối thủ của Nguyễn Ánh là quan Thiếu phó Trần Quang Diệu, dù thắng trận hải chiến Thị Nại nhưng quân Nam không thể nào phá vỡ phòng tuyến cầu Tân Hội. Hơn nữa, bộ binh vượt qua Cù Mông rất chật vật chứ không dễ dàng như trận chiến năm Quý Sửu. Chính Nguyễn Ánh phải đích thân đến phòng tuyến đốc thúc binh sĩ, chỉ huy lập tín hiệu truyền thông để đôi công với quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy. Quân Nam đã dùng núi Hưng Thạnh làm đài quan sát, theo dõi động tĩnh của quân Tây Sơn, ban ngày thì phất cờ làm hiệu, ban đêm thì chớp lửa báo tin cho biết động tĩnh của quân Tây Sơn đồn trú ở phòng tuyến cầu Tân Hội. Cuộc chiến giằng co tại đây rất căng thẳng đến mức quân Nam mất một viên Vệ úy của phiên hiệu chủ lực Quân Thần Sách, Vệ Ban Trực tả là Võ Văn Tài, bị trúng đạn chết ở đồng Bình Thạnh.
Đại Nam Nhất Thống Chí cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn nói khá cụ thể về các địa danh tại phòng tuyến cầu Tân Hội. Mục nói về cầu trong tỉnh Bình Định, bản đời Tự Đức cho biết là thuở bấy giờ cầu Tân Hội đã được người đời quen gọi với tên là Cầu Đôi (chúng tôi nhấn mạnh): Cầu Tân Hội: Ở chỗ hết nước của đầm Biển Cạn thuộc huyện Tuy Phước, tục gọi là cầu Đôi.
Bản đồ Phòng tuyến cầu Tân Hội, phòng tuyến núi Úc.
Tên cầu Đôi gọi cho cây cầu nằm cạnh tháp Đôi còn tìm thấy trong Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí. Đây là bộ Dư Địa Chí đầu tiên của vương triều Nguyễn, do Binh bộ Thượng thư Lê Quang Định khởi thảo từ năm 1802, hoàn thành vào năm 1806. Sách mô tả: 296 tầm (tính từ cầu Ngói sông Phú Hòa Đông), phía Bắc chạy dọc theo sông, phía Nam là ruộng đất cát, đến cầu Tân Hội, cầu dài 23 tầm, tục gọi là cầu Đôi, đây là chỗ cuối của đầm Biển cạn. (1 tầm bằng khoảng 2,12 m). Sách còn mô tả từ đây đi tiếp, phía Bắc có gò, dưới gò nầy có tháp (chính là tháp Đôi), trước mặt tháp có miếu thờ công thần triều Nguyễn (thờ Võ Di Nguy tử trận cửa Thị Nại và Tống Viết Phước tử trận ngoài Tam Quan) sẽ đến chợ Cẩm Thượng tục gọi Chợ Triều. Đi tiếp là đến chợ Thượng Lộc tục gọi Chợ Giã.
Người đời thường chỉ để ý những biến cố mới, những sự kiện gần. Với Cầu Đôi ở TP Quy Nhơn, tục thế đã diễn dịch tên cầu gắn liền giai đoạn người Pháp làm đường hỏa xa từ Diêu Trì xuống Cảng quãng nửa đầu thế kỷ XX. Dù chưa thể xác chính xác thời gian xuất hiện tên gọi Cầu Đôi, nhưng theo sử sách tên gọi Cầu Đôi đã có trước cả cuộc chiến giữa nhà Nguyễn Gia Miêu với nhà Nguyễn Tây Sơn, chứ không phải đến khi có cầu đường sắt cạnh cầu đường bộ và thành đôi mới có tên. Gác qua một bên những cuộc chiến đã mấy trăm năm, Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi là hình tượng của nhân nghĩa, của tình thương đã ăn sâu vào tâm thức người Bình Định: Cầu Đôi mà Tháp cũng Đôi/ Dễ chi nhân nghĩa mà dời được sao… Mà điều này thì nhân gian thống nhất trọn vẹn suốt nhiều trăm năm lịch sử.
PHAN TRƯỜNG NGHỊ