Chương trình “kỹ năng đặc định”: Thêm cơ hội cho người đi làm việc tại Nhật Bản
Tại Hội nghị về công tác xuất khẩu lao động năm 2021 diễn ra ngày 28.4 tại TX Hoài Nhơn, chương trình “kỹ năng đặc định” tại Nhật Bản được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy và nâng chất công tác xuất khẩu lao động trong tỉnh thời gian tới.
Nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng nguồn nhân lực, tháng 12.2018, Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý Xuất Nhập cảnh và chấp nhận tị nạn sửa đổi, trong đó quy định cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo tư cách lưu trú “kỹ năng đặc định (KNĐĐ)”. Việc triển khai tiếp nhận lao động theo chương trình này từ ngày 1.4.2019. Đến nay, Nhật Bản đã ký Bản ghi nhớ hợp tác để tiếp nhận lao động “KNĐĐ” với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Những ưu đãi
Chương trình “KNĐĐ” được phân làm 2 chương trình: “KNĐĐ số 1” và “KNĐĐ số 2”. Mỗi chương trình có quy định riêng về đối tượng, thời hạn lưu trú, các chính sách.
Chương trình “KNĐĐ số 1” yêu cầu người có kiến thức kỹ năng và kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật tương đương N4 để có thể đáp ứng được ngay công việc tại Nhật Bản. Thời hạn lưu trú tại Nhật Bản tối đa 5 năm. Người lao động được phép thay đổi nơi làm việc (cùng ngành) khi tham gia chương trình này.
DN thông tin, tư vấn cho người lao động về chương trình “ kỹ năng đặc định” khi sang Nhật Bản làm việc tại Hội nghị công tác xuất khẩu lao động năm 2021.
Chương trình “KNĐĐ số 2” là những lao động đã trải qua “KNĐĐ số 1” thi đỗ kỳ thi được xác định là có tính chuyên môn cao và có thể đáp ứng công việc đòi hỏi kỹ năng điêu luyện hơn. Chương trình hiện chỉ áp dụng ở 2 nghề (xây dựng, đóng tàu). Căn cứ theo thời gian hợp đồng, Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản sẽ gia hạn visa từ 1 đến 3 năm cho mỗi lần xin gia hạn. Người lao động đi theo chương trình này sẽ được mang theo vợ (chồng), con theo trong thời gian làm việc ở Nhật Bản; được hưởng các chế độ lao động, lương, bảo hiểm... như đối với công dân Nhật Bản.
Hiện tại, nước ta đang đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc theo Chương trình lao động “KNĐĐ số 1”. Có 14 ngành nghề thuộc chương trình này sẽ tiếp nhận lao động: Xây dựng, đóng tàu, nông nghiệp, thực phẩm, nhà hàng ăn uống, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, hàn cơ khí, lưu trú khách sạn, điện, thông tin điện tử, bảo dưỡng/sửa chữa ô tô, hộ lý chăm sóc người cao tuổi, hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý.
Ông Lê Minh Trường, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD, một trong 6 DN đầu tiên được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép phái cử lao động “KNĐĐ” sang làm việc tại Nhật Bản, nói thêm: “Ngoài ra, lao động chương trình “KNĐĐ” thông qua DN được cấp phép phái cử lao động “KNĐĐ” còn có thể trực tiếp ký hợp đồng lao động với DN Nhật Bản mà không cần phải thông qua các hội đoàn thể quản lý DN tại Nhật (thường gọi là Nghiệp đoàn) như chương trình Thực tập sinh kỹ năng. Việc đổi nơi làm việc (cùng ngành) tối đa là 3 lần. Mức lương cũng tương đương lao động tại nước sở tại. Tóm lại, chương trình “KNĐĐ” có nhiều ưu điểm, chính sách tốt hơn cho lao động hơn chương trình thực tập sinh”.
Lý giải về điều này, ông Trần Quang Chung, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Hợp tác Nhân lực TQC Quốc tế nói thêm: “Điều này là xuất phát từ tư cách lưu trú. Thực tập sinh là người lao động sang Nhật với tư cách thực tập sinh kỹ năng đi học tập, nâng cao tay nghề và trở về đóng góp, phát triển cho nước nhà. Trong khi đó, lao động “KNĐĐ” sang Nhật Bản với tư cách đi lao động có thời hạn, làm việc tại các nhà máy, công ty tại Nhật”.
Yêu cầu tiếng Nhật, chuyên môn
So với visa lao động thực tập sinh hiện hành, visa lao động “KNĐĐ” có nhiều ưu đãi hơn, vì thế mà các yêu cầu về bằng cấp, chuyên môn cũng cao hơn. Thông tin từ Chi nhánh phía Nam Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD, đến nay, thông qua DN, Bình Định mới có 10 lao động “KNĐĐ” làm việc tại Nhật Bản.
Đối tượng tham gia chương trình “KNĐĐ” phải là thực tập sinh kỹ năng đã hoàn thành chương trình trở về nước hoặc là ứng viên chưa từng sang Nhật nhưng có kinh nghiệm, chuyên môn trong lĩnh vực tuyển dụng và trình độ tiếng Nhật nhất định.
Hiện nay, các DN được cấp phép phái cử lao động “KNĐĐ” sang làm việc tại Nhật Bản đã phối hợp với các trung tâm cung cấp dịch vụ việc làm tại Bình Định thực hiện tuyển ứng viên cho chương trình “KNĐĐ”. Tại Hội nghị về công tác xuất khẩu lao động năm 2021, Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD mang đến 2 chương trình “KNĐĐ” là điều dưỡng và làm sạch tòa nhà. Công ty CP Quốc tế Cocoro giới thiệu chương trình “KNĐĐ” hộ lý. Công ty CP Thương mại và Hợp tác Nhân lực TQC Quốc tế tuyển ứng viên chương trình “KNĐĐ” hộ lý…
Ông Huỳnh Trọng Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế Cocoro, cho biết: “Chúng tôi đang hợp tác với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Công đoàn Bình Định tuyển sinh lao động ngành điều dưỡng - hộ lý làm việc tại Nhật Bản theo visa “KNĐĐ”. Trong 14 ngành nghề chương trình “KNĐĐ”, điều dưỡng - hộ lý là nghề mà Nhật Bản có nhu cầu cao nhất, dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 60.000 lao động trong 5 năm. Chính vì thế, lao động có tay nghề trong lĩnh vực này có thể tận dụng cơ hội này. Mức lương cho lao động nghề này khoảng 45 triệu đồng/tháng”.
Bài, ảnh: NGUYỄN MUỘI