Dinh dưỡng điều trị: Quan trọng, nhưng chưa được quan tâm!
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong điều trị nhưng chưa được quan tâm đúng mức vì thiếu nhân lực về lĩnh vực này, nhất là bác sĩ. Khối bệnh viện công lập, duy nhất BVÐK tỉnh thành lập khoa Dinh dưỡng hoạt động độc lập và có bác sĩ.
Bệnh viện thiếu bác sĩ về dinh dưỡng
Bác sĩ CKI Vương Thị Thái Hòa, Trưởng khoa Dinh dưỡng (BVĐK tỉnh), cho hay: Dinh dưỡng điều trị là một phần không thể thiếu trong chu trình điều trị bệnh, bởi việc ăn uống có tác động cụ thể đến nguyên nhân gây bệnh, cơ chế điều hòa, khả năng phản ứng và bảo vệ cơ thể. Khoa Dinh dưỡng đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh và gia đình người bệnh thường quy 4 buổi/tuần tại các khoa lâm sàng, và họp hằng tháng hội đồng người bệnh cấp bệnh viện. Thực hiện chế độ ăn, tầm soát đánh giá dinh dưỡng tất cả bệnh nhân nội trú; hội chẩn dinh dưỡng bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng ở các khoa Ung bướu, Nội tiết, Ngoại tổng hợp, Ngoại tiết niệu, Nhi, Nội trung cao, Thần kinh đột quỵ…
Bệnh viện Bình Định có tổ dinh dưỡng do 1 bác sĩ phụ trách, triển khai đánh giá dinh dưỡng trong điều trị bệnh nhân đột quỵ.
Tại Thông tư 18/2020/TT- BYT, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện tuyến huyện trở lên phải thành lập khoa dinh dưỡng - tiết chế. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho hay: Duy nhất BVĐK tỉnh thành lập khoa Dinh dưỡng độc lập và có bác sĩ; hầu hết bệnh viện công lập thuộc ngành y tế tỉnh thành lập tổ dinh dưỡng, hoặc ghép vào khoa dược, kiểm soát bệnh tật... Có 3 đơn vị triển khai cung cấp suất ăn cho người bệnh hoặc ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài để cung cấp là: BVĐK tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, TTYT TP Quy Nhơn. Các đơn vị còn lại chỉ dừng ở mức tư vấn dinh dưỡng, đánh giá chỉ số khối cơ thể cho người bệnh chăm sóc cấp II, III, chưa triển khai chế độ ăn cho người bệnh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nhân lực, nhất là bác sĩ để đáp ứng thành lập khoa dinh dưỡng còn thiếu. Song vẫn còn có đơn vị chưa quan tâm vì chưa hiểu được tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng.
Bác sĩ Hòa chia sẻ, Thông tư 18 của Bộ Y tế quy định 100 giường bệnh phải có 1 nhân viên làm công tác dinh dưỡng, nhưng đến nay khoa mới có 4 người (2 bác sĩ), thiếu nhân lực triển khai thực hiện dinh dưỡng điều trị. Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại trú ở tại khoa Dinh dưỡng đa phần là… bệnh nhi suy dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường, cường giáp… Việc thực hiện hội chẩn dinh dưỡng bệnh nhân suy dinh dưỡng nặng ở các khoa lâm sàng còn ít. Sau gần 2 năm ngừng, đến ngày 30.3.2021 mới bắt đầu hợp đồng với DN cung cấp trở lại và cũng mới dừng ở 2 bữa với hơn 200 suất ăn/ngày cho khoa Phụ sản, hơn 40 suất ăn/ngày cho khoa Truyền nhiễm.
Yêu cầu soát xét, nghiêm túc thực hiện
Phó Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Bành Quang Khải cho biết, ngành dinh dưỡng rất khó thu hút nhân lực, nhất là bác sĩ; trong khi đào tạo nhân lực cho ngành này mới được chú trọng gần đây. Lãnh đạo ngành Y tế cần quan tâm hơn bố trí nhân lực cho khoa Dinh dưỡng; mở rộng đối tượng bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề về dinh dưỡng sau khi được đào tạo.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bình Định - mô hình bệnh viện hoạt động mạnh về dịch vụ, ông Võ Song Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP BVĐK Bình Định, khẳng định: Hiện Bệnh viện Bình Định có tổ dinh dưỡng do bác sĩ phụ trách, trong năm nay chúng tôi triển khai bài bản hơn cho hoạt động của tổ với đầy đủ mô hình hoạt động dinh dưỡng - tiết chế theo Thông tư 18, bởi dinh dưỡng là một trong “ba chân kiềng” trong điều trị. Bệnh viện sẽ hợp tác với một đơn vị cung cấp suất ăn cho bệnh nhân điều trị nội trú.
Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Võ Thành Nam Bình cho biết: “Thời gian tới, bệnh viện hỗ trợ thêm nhân lực cho khoa Dinh dưỡng, đào tạo nhân lực chuyên sâu về dinh dưỡng; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho khoa; qua đó phát triển chuyên sâu về dinh dưỡng lâm sàng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Bệnh viện cũng sẽ tự tổ chức suất ăn dinh dưỡng điều trị để phù hợp bệnh lý bệnh nhân điều trị nội trú”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh: 20 - 40% bệnh nhân trong bệnh viện cần chế độ ăn điều trị, tại các BVĐK có khoảng 100 chế độ ăn bệnh lý khác nhau. Khi đánh giá công tác dinh dưỡng trong toàn ngành hằng năm theo các quy định và bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, Sở Y tế nhận thấy công tác dinh dưỡng là một trong những khâu đạt điểm tiêu chí thấp nhất. Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị soát xét, nghiêm túc thực hiện, tập trung tổ chức thực hiện công tác dinh dưỡng - tiết chế, bổ sung nhân lực phụ trách; đồng thời tăng cường kiểm tra các đơn vị.
Bài, ảnh: MAI HOÀNG