Mối nguy từ chó thả rông, không đeo rọ mõm
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã xảy ra những vụ việc thương tâm liên quan tới việc chó dữ tấn công người gây hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là vụ chó tấn công người khá nghiêm trọng vừa xảy ra vào ngày 25.5 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Anh T.H.H, trong lúc chạy xe chở con trai, bất ngờ bị con chó lai nặng hơn 10 kg, đang đứng bên đường lao ra tấn công. Hậu quả, bé trai bị chó cắn vào chân trái, anh H. cứu con cũng bị chó cắn đứt đốt ngón tay trái.
Hay như, vụ chó tấn công người đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Long An, xảy ra tối 20.5, con chó pitbull đã tấn công làm một người đàn ông gây tử vong, người chủ vào can ngăn cũng bị chó cắn trọng thương. Chủ chó đang bị xem xét khởi tố về hành vi vô ý làm chết người.
Tình trạng chó thả rông không rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Những vụ việc nêu trên một lần nữa cảnh báo về tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm trên đường phố như hiện nay. Ở Quy Nhơn, trên một số tuyến đường, bãi biển, công viên…, không khó để bắt gặp những con chó không rọ mõm đi rông, thậm chí có những con còn bất thình lình băng qua đường, khiến không ít người lo ngại.
Đơn cử, vào khoảng 18 giờ, ngày 28.5, nhiều người tham gia giao thông trên đường dân sinh tại khu dân cư thuộc KV 4 và 5 (phường Nhơn Phú) một phen hú vía, khi thấy một con chó Becgie không đeo rọ mõm, ngồi trên đường. Khi có người đi xe máy, xe đạp chạy ngang qua, con chó này nhe hàm răng dữ tợn, sủa liên hồi và rượt đuổi người đi đường một đoạn khá xa. Nguy hiểm hơn, tại khu vực này có rất đông trẻ nhỏ.
Một con chó Becgie không rọ mõm, hay rượt đuổi người đi đường tại KV 4 và 5, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).
Để hạn chế những mối nguy hiểm từ việc nuôi chó thả rông và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, như: Không đeo rọ mõm cho chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ bị phạt tiền từ 600 - 800 nghìn đồng; tiêu hủy chó, mèo thả rông sau 72 giờ nếu chủ không đến nhận; chủ tịch UBND cấp xã, phường có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi chủ nuôi không rọ mõm hoặc không tiêm phòng bệnh dại cho chó... Thế nhưng hiện nay, tình trạng nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm còn nhiều, chính quyền các cấp vẫn chưa có biện pháp xử lý kiên quyết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chia sẻ: Hiện nay, công tác quản lý chó, mèo thả rông gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là do phương thức chăn nuôi. Các hộ dân nuôi chó, mèo thường là làm cảnh, trông giữ nhà, vì vậy, số lượng nuôi thường từ 1 - 3 con và có thể nhiều hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc khai báo và quản lý chó, mèo theo quy định gặp không ít khó khăn, bất cập. Trong quá trình nuôi, người dân chưa có ý thức đăng ký nuôi chó, số chó nuôi nhiều nhưng đăng ký ít… Vì vậy, hiện Chi cục vẫn chưa thống kê được số liệu cụ thể về tổng đàn chó đang có trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Quốc, Bộ NN&PTNT vừa có Chỉ thị số 2894/CT-BNN-TY ngày 18.5.2021, về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật. Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về bệnh dại ở chó, mèo tới người dân, cách phòng bệnh và xử trí khi bị chó, mèo có biểu hiện bệnh dại cắn.
Bài, ảnh: TRIỀU CHÂU