Kinh tế Bình Định quý I.2013:
Tăng trưởng khá, nhưng chưa bền vững
Trong quý I.2013, nền kinh tế của tỉnh có những chuyển biến tích cực, với nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, sự tăng trưởng này chưa thật sự bền vững.
Chuyển biến trên nhiều lĩnh vực
Theo đánh giá của UBND tỉnh, quý 1.2013, tuy còn nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, như doanh nghiệp (DN) còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, giải quyết đầu ra sản phẩm; hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp... , nhưng các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
May mặc là một trong những ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở tỉnh ta.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng may hàng xuất khẩu của Công ty cổ phần May Bình Định.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Trong quý 1, các DN trên địa bàn tỉnh đã dần ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, ký kết được nhiều đơn hàng sản xuất và xuất khẩu có giá trị lớn. Trong đó, có 2 ngành công nghiệp phát triển khá mạnh, đang khẳng định vị thế là may mặc và chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý 1.2013 tăng 6,78% (cao hơn mức tăng bình quân của cả nước) và kim ngạch xuất khẩu thực hiện đạt trên 136 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Lĩnh vực nông - lâm- thủy sản cũng đạt mức tăng trưởng khá. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp thực hiện đạt 612,2 tỉ đồng, tăng 2%; giá trị sản xuất thủy sản thực hiện đạt 353,4 tỉ đồng, tăng 4,7% và giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 50 tỉ đồng, tăng 10,5%. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, khẳng định: Sự phát triển ổn định của ngành Nông nghiệp trong thời gian qua là nhờ tỉnh ta làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong quý 1.2013, toàn tỉnh đã tiêm phòng được 53.284 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu bò; 87.121 liều vắc xin dịch tả, 25.332 liều vắc xin tai xanh cho heo và 29.640 liều vắc xin cúm gia cầm...
Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính… cũng tăng trưởng khá. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 9.379 tỉ đồng, tăng 14,4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tại tỉnh ta tăng 0,01%, tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2012 đến nay. Điều này cho thấy các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ và của tỉnh đang từng bước phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, kinh tế quý I.2013 còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Cụ thể, tỉ lệ hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến vẫn đang ở mức cao (từ 20% đến 40% sản lượng sản xuất, tùy theo lĩnh vực) ảnh hưởng đến mối quan hệ an toàn giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ. Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Hạn hán đang diễn ra trên diện rộng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Ngay cả những “điểm sáng” kinh tế quý I cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ: CPI tăng chậm cho thấy sức cầu còn yếu, chưa thể hỗ trợ và kích hoạt sản xuất kinh doanh.
Nỗ lực đạt các mục tiêu năm 2013
Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế quý I.2013, Chủ tịch UBND Lê Hữu Lộc khẳng định: UBND tỉnh đang nỗ lực tập trung chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Với những tín hiệu khả quan trong quý I, cộng với các giải pháp tích cực đang được các cấp, các ngành của tỉnh triển khai, tỉnh ta phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế đã đề ra trong năm 2013.
Trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, các cấp, các ngành trong tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện, từ nay đến cuối năm. Trong đó, ngành Nông nghiệp theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây trồng, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Tập trung chỉ đạo áp dụng các biện pháp canh tác tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi cây trồng ở những nơi có điều kiện; đồng thời, triển khai phương án phòng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu và phương án cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người và gia súc trong mùa khô. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn phòng chống các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng.
Ngành Công Thương tiếp tục rà soát tình hình sản xuất kinh doanh của các DN; trong đó tập trung giải quyết khó khăn đối với các ngành chế biến gỗ, đường, tinh bột mì, bia, tân dược... nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác khuyến công, triển khai thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển làng nghề. Tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy các hoạt động thương mại, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ. Đôn đốc các DN đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Bên cạnh đó, để thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc còn yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính ở từng cấp, từng ngành nhằm tạo thuận lợi cho DN và nhân dân; có quy chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức…
NGỌC THÁI